Vì sao ông Công, ông Táo cưỡi cá chép về trời?

Trong lễ cúng ông Táo không thể thiếu cá chép

Tết ông Công ông Táo: Cúng thế nào mới đúng?

Sự tích về ngày Tết ông Công ông Táo

Cúng ông Táo: Nên cúng cá sống hay cá chín?

Cách bày mâm cúng ông Công ông Táo

Vì sao lại là cá chép?

Táo quân (còn được gọi là ông Công ông Táo), là vị thần coi sóc bếp lửa cho gia đình. Lễ vật chuẩn bị cho cúng ông Công ông Táo gồm mâm cỗ mặn, bánh kẹo, rượu, trầu cau, hoa quả. Cùng với đó là 3 bộ mũ áo, hia hài. Hai mũ dành cho các Táo ông, một mũ dành cho Táo bà. Đặc biệt, trong lễ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép.

Theo truyền thuyết, Táo quân cưỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng. Trong các món đồ cúng Táo quân có cá chép còn sống bơi trong chậu nước để ông Táo dùng làm phương tiện di chuyển về trời. Nhiều người quan niệm, ông Táo có thể cưỡi cá chép bay về trời được vì cá chép có thể hóa ra rồng bay lên mây, lên trời được. 

Thả cá chép tiễn Táo quân với mong muốn cầu chúc năm mới tốt lành

Ngoài ý nghĩa là "cá hóa rồng", "vượt vũ môn", làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời, phong tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. 

Vì sao phải cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp?

Người Việt Nam quan niệm Táo quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi.

Lễ cúng tiễn đưa ông Táo chầu Trời thường được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, hoặc sáng sớm ngày 23. Nếu gia chủ vì vướng bận công việc quan trọng thì cũng phải hoàn thành việc thờ cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp để kịp giờ ông Táo lên Thiên đình. Nếu trưa, chiều 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa ông Táo về trời, e rằng ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ. Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.

Lưu ý khi đi thả cá chép:
Khi thả cá chép, nhiều gia đình cũng thả cả tro cúng Táo quân xuống nước, nhưng để bảo vệ môi trường, hành động này không nên thực hiện. Dù thả cá chép ở đâu, hãy nhớ bảo về môi trường nước, tuyệt đối không vứt túi nilon, chân, tàn hương hay các vật dụng thờ cúng khác xuống sông hồ. Nên chọn những hồ được xây kè cẩn thận, có bậc thang lên xuống. Nếu nơi thả cá chưa xây kè nên chọn chỗ có nền đất vững chắc.
Thương Huyền H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức