Viêm gan B được mệnh danh là sát thủ thầm lặng
Bệnh viêm gan B do virut viêm gan B gây ra. Bệnh thường không có triệu chứng, phần lớn người bệnh không có biểu hiện gì và vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ phát hiện khi tình cờ đi làm xét nghiệm máu. Những triệu chứng điển hình của viêm gan B như: đau hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu... thường không xuất hiện hoặc xuất hiện khi bệnh đã có biến chứng. Do đó, để nhận biết sớm và chắc chắn mình có nhiễm virut viêm gan B hay không thì giải pháp tốt nhất là nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm máu để kiểm tra.
Viêm gan B là tác nhân gây ung thư đứng thứ hai, chỉ sau thuốc lá gây ung thư phổi. Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố 58 tác nhân gây ung thư, trong đó viêm gan B là tác nhân gây ung thư đứng thứ hai, chỉ sau thuốc lá gây ung thư phổi. Nghiên cứu cũng cho thấy 80% trường hợp ung thư gan nguyên phát có liên quan đến viêm gan B. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, ung thư gan là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ ba chỉ sau ung thư phổi và ung thư dạ dày; ung thư gan và xơ gan là các biến chứng chính của viêm gan B mạn tính, làm cho ít nhất 1 triệu người chết mỗi năm trên toàn thế giới.
Virut viêm gan B lây lan cao hơn 100 lần so với HIV gây bệnh AIDS
Viêm gan siêu vi B lây qua 3 con đường chính:
Đường từ mẹ sang con: đây là đường lây truyền phổ biến nhất, khả năng lây lên đến 95%.
Đường quan hệ tình dục: tiếp xúc với dịch sinh dục của người nhiễm viêm gan B và đặc biệt dịch sinh dục được xếp vào nhóm chứa lượng siêu vi cao.
Đường truyền máu: truyền máu có nhiễm siêu vi viêm gan B, dùng chung dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng có dính dịch tiết hoặc qua vết thương hở của người nhiễm viêm gan siêu vi B.
Ngoài ra, có khoảng 40% viêm gan B không xác định được nguồn gốc lây truyền.
Sở dĩ khả năng lây của virut viêm gan siêu vi B cao hơn 100 lần so với HIV vì virut này có khả năng sống rất dai - chúng có thể tồn tại trên các vết máu khô hoặc trên bề mặt các đồ vật như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, đồ chơi, dụng cụ y khoa... trong nhiều ngày. Như vậy, hầu như tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm virut viêm gan B. Tuy nhiên, những nhóm người sau có nguy cơ cao bị lây nhiễm là: nhân viên y tế; bệnh nhân thường xuyên nhận các chế phẩm từ máu; trẻ sinh ra từ người mẹ mang virut viêm gan B; người có hoạt động tình dục cao; cư dân ở những nơi dân số tập trung cao; người tiêm chích ma túy...
Xơ gan và ung thư gan là những biến chứng nghiêm trọng của viêm gan B. Khoảng 10% trường nhiễm viêm gan B cấp tính chuyển sang mạn tính. Khi nhiễm mạn tính, siêu vi không tăng trưởng nhưng thật sự vẫn tồn tại trong cơ thể, cụ thể là trong máu và trong các dịch cơ thể. Người mang siêu vi đang ở dạng không hoạt động này gọi là người lành mang virut, người này phải thường xuyên kiểm tra mỗi 3 - 6 tháng/lần để xem tình trạng nhiễm siêu vi của mình, tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là người này lại mang nguồn lây cho những người khác thông qua những con đường lây như quan hệ tình dục, đường máu, đường mẹ truyền sang con như đã đề cập ở trên, nguy hại hơn cả là nếu người này không biết mình đang mang virut viêm gan B thì sẽ là nguồn lây nguy hiểm cho những người thân xung quanh.
Điều trị viêm gan B mạn tính rất tốn kém và hiệu quả thật sự không cao, chỉ nhằm mục tiêu ức chế virut tăng trưởng chứ không quét sạch virut khỏi cơ thể. Và mỗi khi cơ thể suy nhược, virut lại bùng lên, làm tổn thương mô gan, hình thành những vết sẹo, những vết sẹo này với mật độ dày đặc và tạo nên tình trạng xơ, lâu ngày dẫn đến ung thư gan.
Viêm gan B hoàn toàn có thể phòng ngừa được
Bình luận của bạn