Viêm tắc động mạch chi - bệnh do lối sống

Bệnh phát sinh do tình trạng viêm nhiễm của toàn bộ 3 lớp thành động mạch và các tĩnh mạch đi kèm, gây nên những di chứng nặng nề là hoại tử chi và diễn tiến cuối cùng là phải cắt cụt chi bị hoại tử.

Bệnh do lối sống?

Bệnh phát sinh do tình trạng viêm nhiễm của toàn bộ 3 lớp thành động mạch và các tĩnh mạch đi kèm, gây nên những di chứng nặng nề là hoại tử chi và diễn tiến cuối cùng là phải cắt cụt chi bị hoại tử.

Nguyên nhân gây bệnh tuy chưa được hiểu biết đầy đủ nhưng những bằng chứng khoa học đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm: Thuốc lá không những là nguyên nhân gây nên hàng loạt căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ở đường hô hấp mà còn chính là yếu tố nguy cơ trực tiếp hay gián tiếp gây nên bệnh viêm tắc động mạch. Nghiện thuốc lá và không bỏ được thuốc lá là một nguyên nhân làm bệnh nhân rất khó khỏi bệnh mặc dù đã được điều trị tích cực; Lạnh cũng được cho là một yếu tố liên quan đến bệnh viêm tắc động mạch chi.

Bệnh dễ gặp ở những người bị tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì...

Ai dễ mắc viêm tắc động mạch chi? 1
Viêm tắc động mạch chi dưới.

Dấu hiệu của bệnh

Cần nghĩ đến viêm tắc động mạch chi dưới nếu bệnh nhân có các triệu chứng "đi lặc cách hồi": Biểu hiện bằng sự co thắt mạch máu các chi khi gặp lạnh, đi nhanh và khi làm việc nặng. Lúc bệnh mới phát triển, bệnh nhân thấy cóng buốt ở các chi và đau ở bắp thịt cẳng chân khi đi lại làm bệnh nhân phải dừng lại vài phút cho đến khi hết đau mới đi được và sau vài trăm bước, đau lại xuất hiện vì động mạch co thắt. Triệu chứng này gọi là dấu hiệu "đi lặc cách hồi" và là triệu chứng đặc biệt của giai đoạn đầu phát triển của bệnh, khoảng cách đi ngắn dần chứng tỏ bệnh đang tiến triển nặng lên. Đau có thể lan xuống bàn chân, ngón chân, đôi khi khu trú chủ yếu ở các ngón chân. Lúc nghỉ ngơi và ban đêm thì không thấy xuất hiện đau.

Trong những trường hợp không điển hình có thể chẩn đoán nhầm với: đau về đêm như bệnh Goutte, hoặc chỉ có cảm giác đau nhẹ âm ỉ ở sâu như giãn tĩnh mạch sâu. Ngược lại, cũng có khi đau dữ dội từ bắp chân lan xuống bàn chân liên tục, nghỉ cũng không hết như đau thần kinh tọa.

Giai đoạn sau xuất hiện hiện tượng thiếu máu đầu chi trở nên thường xuyên hơn, ngay cả lúc nghỉ ngơi, đặc điểm của đau là: đau kéo dài, dai dẳng, các phương pháp điều trị thông thường không đỡ đau.

Giai đoạn muộn, các triệu chứng đau và rối loạn dinh dưỡng tăng lên. Đau các ngón chân trở nên thường xuyên và không thể chịu nổi, làm bệnh nhân không thể đi lại nếu không có thuốc an thần và chống đau, tuy nhiên, tác dụng của thuốc cũng chỉ tạm thời. Các vết loét xuất hiện và phủ một lớp bẩn, đáy có tổ chức hoại tử.

Để biết đích xác là bệnh

Nếu có triệu chứng "đi lặc cách hồi" như đã mô tả ở trên, bệnh nhân cần đến khám chuyên khoa mạch máu ngoại vi để được chẩn đoán nhanh nhất và chính xác nhất. Cách khám đơn giản nhất mà bất kỳ bác sĩ nào cũng có thể thực hiện được là kiểm tra mạch đập ở các vị trí nếp bẹn, khoeo chân, mu chân và ống gót. Nếu không có mạch đập hoặc yếu hơn bình thường thì có thể nghĩ đến hẹp tắc mạch.

Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như: Siêu âm mạch máu giúp bác sĩ biết rõ động mạch bị hẹp tắc ở đâu và mức độ như thế nào, đồng thời có thể cho biết mức độ thiếu máu chi dưới ra sao nhờ đo chênh lệch huyết áp giữa cổ chân và cánh tay; Chụp cắt lớp hệ động mạch (chụp mạch) chủ bụng chậu và toàn bộ chi dưới là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất.

Chữa thế nào?

Chữa trị bảo tồn: Mục đích là làm mất sự co thắt các mạch máu và triệu chứng đau do nó gây nên, điều chỉnh lại các quá trình phản xạ ảnh hưởng đến tuần hoàn trong các chi và tăng cường tiếp tế máu động mạch cho chi bị bệnh: Bỏ thuốc lá; Sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau, chống co thắt mạch máu theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Liệu pháp hoạt động thể lực giúp làm tăng khoảng cách đi bộ và cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân. "Ngừng hút thuốc và duy trì đi bộ" là thuật ngữ được chuyên gia nội khoa người Scotland, Housley sử dụng để mô tả điều trị triệu chứng đi lặc cách hồi: Tập thể dục có giám sát nên được thực hiện như một phần của liệu pháp điều trị ban đầu đối với tất cả các bệnh nhân viêm tắc động mạch chi. Chương trình hiệu quả nhất là liệu pháp đi bộ liên tục với cường độ đủ để gây triệu chứng đi lặc cách hồi, tiếp theo là nghỉ ngơi 30-60 phút, 3 lần/tuần trong tối thiểu 3 tháng.

Chữa bằng phương pháp khác: Đối với bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc nguy cơ hoại tử khi đã điều trị nội khoa tối ưu thì cần xem xét chỉ định chụp mạch và can thiệp. Những trường hợp chính được chỉ định là: Điều trị nội khoa tối ưu mà vẫn tồn tại triệu chứng nặng hoặc những đối tượng khó thay đổi các yếu tố nguy cơ; Đau cả khi nghỉ; Loét không lành; Hoại tử. Việc lựa chọn tái thông bằng can thiệp nội mạch hay phẫu thuật phụ thuộc tuổi, bệnh mắc kèm, dạng tổn thương...

Theo BS. Mai Trung Dũng (SK&ĐS)

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn