Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cũng cho rằng, thông báo chính thức sẽ do Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thông báo rõ ràng. Được biết, chiều nay, Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia của Việt Nam sẽ họp báo về việc này.
Trong ngày hôm nay (15/3), công tác tìm kiếm cứu nạn sẽ vẫn được các lực lượng thực hiện. Trên không, sẽ có 2 tàu bay AN26 và CASA tìm kiếm tại khu vực khả nghi nhất sau thời điểm tàu bay mất tín hiệu ra đa. Vùng tìm kiếm trong vùng trách nhiệm của FIR Hồ Chí Minh. Trên biển, các tàu tạm thời duy trì tìm kiếm tại chỗ, sẽ di chuyển khi có thông tin mới.
Tại cuộc họp báo chiều nay, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo giai đoạn tìm kiếm thứ hai máy bay mất tích của Malaysia Airlines sẽ tập trung vào 2 khu vực-nơi máy bay có khả năng bị mất liên lạc với vệ tinh. Trong đó, hoạt động tìm kiếm sẽ được thực hiện tại 2 hành lang: thứ nhất, hành lang phía bắc trải dài từ biên giới Kazakhstan và Turkmenistan đến phía bắc Thái Lan; thứ hai, hành lang phía nam trải dài từ Indonesia đến phía nam Ấn Độ Dương.
Trong thời gian 8 ngày tìm kiếm mát bay mất tích vừa qua, cùng với nỗ lực của các bên liên quan, Việt Nam đã chủ động có những phương án ứng phó, phối hợp tích cực, chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp máy bay của Malaysia mất tích.
Trước đó, trong cuộc họp với báo giới trong và ngoài nước, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu khẳng định, việc tìm kiếm máy bay mất tích ngoài trách nhiệm của một nước quản lý vùng thông báo bay còn là nhiệm vụ nhân đạo.
"Trong quá trình tìm kiếm, khi phát hiện những dấu hiệu mới, Malaysia cũng không cung cấp đầy đủ những thông tin mới thu thập được. Máy bay của Malaysia, đáng lẽ nước này phải là đầu mối cung cấp mọi thông tin liên lạc, vậy nhưng, Malaysia chưa tích cực hợp tác với Việt Nam ngay từ khi vụ việc xảy ra," Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đánh giá.
Bình luận của bạn