Vinacosh đề xuất tăng thuế thuốc lá cao hơn đề xuất từ Bộ Tài chính

Vinacosh đề xuất tăng thuế thuốc lá cao hơn đề xuất từ Bộ Tài chính 1
Người hút thuốc bệnh đã đành, 2/3 phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng phải "hít ké" tại nhà khiến "ké" cả 5 loại bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá.
Hôm 28/5, tại hội thảo cập nhật thông tin về Ngày thế giới không hút thuốc lá và thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá do Vinacosh tổ chức tại TPHCM, đơn vị này đã thông báo như trên.

Một thống kê được thực hiện bởi Vinacosh hồi năm 2010 cho thấy hơn 15 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá, hơn 47% tổng số nam giới.

Số liệu trên có thể dễ hình dung hơn nếu được diễn đạt theo cách khác, tức là trung bình cứ 2 nam giới ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc lá. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 15 thế giới về tiêu thụ thuốc lá.

Đơn vị này cũng đưa ra số liệu về những người “hít ké” thuốc lá: 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải thuốc lá tại nhà, 33 triệu người không hút thuốc nhưng buộc phải “hít ké” khói thuốc…

Hiện Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, và mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 47,4% xuống còn 39% vào năm 2020.

Biện pháp được xem là chủ lực nhằm đạt mục tiêu này là tăng thuế thuốc lá nhằm giảm sức mua. Lộ trình tăng thuế thuốc lá đã được Bộ Tài chính đề xuất, cụ thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% hiện nay lên 75% vào năm 2015, đến 2018 là 85%.

Tuy nhiên, theo nhận định từ Vinacosh, tỷ lệ tăng thuế thuốc lá Bộ Tài chính đưa ra “quá nhẹ”, nên không thể giúp Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đạt mục tiêu đề ra.

Vì vậy, Vinacosh đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 105% vào năm 2015, và lên 145% vào năm 2018.

Với tỷ lệ tăng thuế này, giá bán lẻ thuốc lá thực tế sẽ tăng gần hơn 20% vào năm 2015, tăng thêm 17% vào năm 2018. Vinacosh cho rằng thu nhập bình quân đầu người luôn tăng nhưng sẽ không đuổi kịp tốc độ tăng của giá thuốc lá, từ đó sức mua sẽ giảm.

Vinacosh cũng đưa ra số liệu nhằm so sánh chuyện thu ngân sách qua phương án tăng thuế thuốc lá từ Bộ Tài chính và phương án của đơn vị này.

Theo đó, so với năm 2014, phương án từ Bộ tài chính giúp tăng thêm doanh thu thuế là hơn 16 ngàn tỷ đồng vào năm 2018. Trong khi đó, phương án của Vinacosh là hơn 33 ngàn tỷ đồng.
Vinacosh đề xuất tăng thuế thuốc lá cao hơn đề xuất từ Bộ Tài chính 2
Chánh văn phòng Vinacosh, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, người đồng thời là Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh-Bộ Y tế, thực sự lo ngại về số lượng người mắc bệnh do thuốc lá và chi phí y tế ngày càng gia tăng.

Tại hội thảo, Vinacosh cũng mời một nhóm nhiên cứu được hình thành từ hai đơn vị trong và ngoài nước phối hợp thực hiện đến trình bày về tổn thất tiền bạc bởi hút thuốc lá.

Theo đó, nghiên cứu hồi năm 2011 do Đại học Y tế Công cộng cùng tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thực hiện cho thấy, tổng chi phí y tế trực tiếp cho bệnh nhân nội trú thuộc 5 nhóm bệnh quy thuộc cho thuốc lá là 8,9 ngàn tỷ đồng (hơn 400 triệu USD).

Gần 2 ngàn tỷ đồng (hơn 90 triệu USD) là tổng chi phí y tế trực tiếp cho bệnh nhân nội trú, cũng thuộc 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá.

Nghiên cứu nói trên cũng chỉ rõ tổng gánh nặng kinh tế của 5 loại bệnh liên quan đến thuốc lá, gồm cả chi phí y tế trực tiếp, chi phí do mất khả năng lao động vì bệnh, chi phí do mất khả năng lao động vì tử vong, là hơn 23 ngàn tỷ đồng, tức gần 1% GDP cả nước.

Cụ thể, bệnh ung thư phổi (hơn 8 ngàn tỷ đồng), ung thư đường hô hấptiêu hóa trên (hơn 3 ngàn tỷ đồng), phổi tắc nghẽn mãn tính (hơn 7 ngàn tỷ đồng), tim thiếu máu cục bộ (hơn 1 ngàn tỷ đồng), đột quỵ (hơn 3 ngàn tỷ đồng).

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn