Tuy nhiên, những thắc mắc này của người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía Công ty Vinaconex, Bộ Xây dựng , UBNDTP Hà Nội, khiến không ít người bức xúc.
Về phía Công ty Vinaconex – Chủ đầu tư công trình: chiều ngày 15/7, ông Vũ Quý Hà, Tổng Giám đốc Vinaconex đã giải trình với báo chí về sự cố này. Tuy nhiên, trong lời giải trình của ông Quý vẫn chưa thỏa đáng.
Thứ nhất, với tư cách là đại diện của một tập đoàn lớn (Tổng Giám đốc Vinaconex), có nhiều năm xây dựng các công trình lớn của đất nước, ông Vũ Quý Hà không thể nói Vinaconex “thiếu kinh nghiệm” là mong nhận được sự thông cảm của người dân. Nhiều người sẽ có thắc mắc là tại sao đường ống dẫn nước sạch sông Đà vỡ đến cả ngót chục lần (9 lần) mà Vinaconex vẫn đổ lỗi cho là do thiếu kinh nghiệm? Vậy, đường ống phải tiếp tục xảy ra sự cố đến lần thứ bao nhiêu thì chủ đầu tư mới có đủ kinh nghiệm? Tại sao khi chủ đầu tư nhận thấy mình không đủ kinh nghiệm mà vẫn nhận thầu để khi xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến biết bao nhiêu con người như vậy?
Nhớ lại vài năm trước khi mà một công trình cũng được coi là công trình trọng điểm quốc gia là cầu Thăng Long xảy ra sự cố nứt vỡ nhiều lần, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ giao thông cũng trả lời trước báo chí rằng: “Sự cố ở cầu Thăng Long là do chúng tôi thiếu kinh nghiệm...” Phải chăng, với những công trình trọng điểm của quốc gia cần có những chủ đầu tư, nhà thầu lớn, “nhiều kinh nghiệm” hơn Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân hay Vinaconex mới có thể đảm nhiệm được?
Công trình nhận "Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam" xảy ra sự cố tới 9 lần
Không những thế, ông Hà còn đưa ra lý do đây là lần đầu tiên sử dụng vật liệu composite cốt thủy tinh nên vẫn còn “thiếu kinh nghiệm”, hay chất lượng ống không đồng đều, quá trình vận chuyển, lắp đặt rồi cả việc thi công, vận hành Đại lộ Thăng Long...cũng được liệt vào danh sách gây nên sự cố.
Thực chất, đây chỉ là sự quanh co trong cách giải trình nguyên nhân cũng như lảng tránh trách nhiệm. Suy cho cùng, đường ống vỡ là do tự cái ống đó nó vỡ, chứ không phải là lỗi tại ai. Có thông tin cho rằng, thời điểm khởi công dự án này, riêng cho chi phí làm đường ống bằng composite cốt sợi thủy tinh đã lên tới gần 500 tỷ đồng. Và như thế cần có sự thanh tra rõ ràng trong việc tại sao đơn vị thi công lại sử dụng đường ống khi chưa chứng minh được “độ bền"?
Đến khi xảy ra sự cố tới những 9 lần, ống composite sợi thủy tinh có chi phí gần 500 tỷ đồng lại bị đánh giá là “chất lượng ống chưa đồng đều”. Vinaconex cũng không thể đổ lỗi cho quá trình vận chuyển, lắp đặt gây tác động đến chất lượng đường ống hay không thể nói đường ống hư hỏng là do ảnh hưởng của việc thi công, vận hành Đại lộ Thăng Long. Bởi lẽ, trước khi thi công bất cứ một công trình nào, không riêng gì đường ống sông Đà, các nhà thầu đều phải tính toán đến những yếu tố, những tình huống có thể xảy ra.
Do vậy, những nguyên nhân mà ông Vũ Quý Hà,Tổng Giám đốc Công ty Vinaconex đưa ra là không thuyết phục và càng cho người dân thấy được những sai sót, kẽ hở của công trình nghìn tỷ này. Phải chăng công nghệ mới không chịu được khí hậu khắc nhiệt của Việt Nam?
Thứ ba, theo như lời của ông Vũ Quý Hà, người dân chưa biết được trách nhiệm thuộc về ai, bị xử lý như thế nào, giải pháp khắc phục sự cố, bồi thường cho dân cụ thể là gì. “Sau khi kiểm điểm, trách nhiệm ở đâu sẽ xử ở đó. Nếu cổ đông nhận thấy chúng tôi điều hành không đủ năng lực, hiệu quả thì có quyền đề xuất cách chức.” ông Hà nói.
Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong sự cố này, ông Lê Quang Hùng – Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình – Bộ Xây dựng cho biết: “Theo quy định của pháp luật đầu tư về xây dựng, thì việc tổ chức đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng thuộc về Chủ đầu tư - Tổng công ty Vinaconex và các nhà thầu có liên quan”.
Như vậy, nếu hiểu theo cách mà ông Lê Quang Hùng thì Bộ Xây dựng không có liên quan gì trong sự cố này cả về tổ chức đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng của công trình nghìn tỷ này. Bộ chỉ có ý kiến chỉ đạo đối với nhà đầu tư là Cty khai thác nước Sông Đà và các đơn vị liên quan của TP tìm mọi biện pháp để bảo đảm cung ứng nước sạch cho người dân. Vậy câu hỏi đặt ra là Bộ Xây dựng có vai trò gì trong công trình này trong khi từ khâu thiết kế, thi công đến nghiệm thu, Bộ đều không liên can? Và Bộ Xây dựng có muốn giải thích gì về việc chính Bộ Xây dựng đã trao tặng danh hiệu “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” vào năm 2010 cho công trình này?
Bình luận của bạn