Loại cây được trồng thay thế trong "Đề án chặt hạ, di chuyển trồng 6.700 cây xanh" của thành phố Hà Nội không phải là cây vàng tâm? (Ảnh: Nguồn Internet)
670 nghìn đồng chỉ đủ đánh mã số cây?
Chặt cây xanh có thể làm cho người dân Hà Nội "nóng tính" hơn
Theo dấu cây xanh vừa bị đốn hạ ở Thủ đô
Chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội: "Xác" cây đang ở đâu?
Cây được trồng thay thế là mỡ hay vàng tâm?
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và bảo tồn cây cổ thụ và cây quý sau khi trực tiếp khảo sát tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định rằng loại cây được trồng trên con đường này không phải là cây vàng tâm mà thực chất là cây gỗ mỡ. Loại cây này cùng họ thực vật với cây vàng tâm nhưng khác chi.
Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Giám đốc công ty Công viên cây xanh Hà Nội (đơn vị tổ chức lễ ra quân trồng cây đầu xuân Ất Mùi 2015 vừa qua trên đường Nguyễn Chí Thanh) cho biết: "Đơn vị thực hiện trồng cây là phía ngân hàng, bên công ty cây xanh không thực hiện".
TS Đặng Văn Hà, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất (Đại học Lâm nghiệp Việt Nam) cũng cho biết: "Cây vàng tâm là loại cây gỗ quý. Hiện nay đa số tồn tại trong tự nhiên vì nó sinh trưởng rất chậm. Tôi cho rằng người cung cấp giống và người trồng cây phải có báo cáo chính xác vì cây mỡ và cây vàng tâm là khác nhau không thể đánh bùn sang ao được. Còn thực sự nếu trồng cây vàng tâm ở đường Nguyễn Chí Thanh thì cây cũng rất khó phát triển, thậm chí không tồn tại được".
Gỗ mỡ là loại cây được trồng ở vùng đất chua, có chất mùn và chậm lớn (Ảnh: Nguồn: Internet)
Trong Hội thảo "Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội" diễn ra vào chiều 23/3 ở Hà Nội do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng đến 10 năm nữa thì những cây gỗ mỡ được trồng thay thế tại Hà Nội vừa qua cũng không thể nào tỏa bóng mát được, vì cành cây hiện tại mới chỉ bằng ngón tay.
Kỹ sư lâm nghiệp đang trồng hơn 10ha loại cây gỗ mỡ nói gì?
Theo anh Phan Nhật Quang - Kỹ sư lâm nghiệp tại Lào Cai, cây mỡ rất nhiều sâu và giá trị kinh tế không cao, anh Quang cho biết gia đình anh đang có hơn 10ha trồng loại cây này từ năm 2003 nhưng hiện chưa thể thu hoạch vì nó quá nhiều sâu, loài sâu này nếu chạm vào sẽ rất ngứa ngáy, cực kỳ khó chịu... Hơn nữa nếu trồng tập trung thì không thể tránh khỏi sự xuất hiện của loại sâu kinh khủng đó.
Theo anh Quang, tháng 4 sẽ là mùa rộ hoa của cây mỡ, nhìn khá giống hoa Ngọc lan nhưng không có mùi hương ấn tượng, và hiện giá một mét khối gỗ mỡ chỉ khoảng hơn một triệu đồng. Kỹ sư Quang còn cho hay, cây mỡ mà bị sâu trông sẽ xơ xác.
Loại sâu trên cây mỡ gây ngứa ngáy và khó chịu nếu chạm phải (Ảnh: Nguồn Internet)
Dù là cây vàng tâm hay cây gỗ mỡ thì cũng không phù hợp với Hà Nội
GS. Nguyễn Lân Dũng cũng khẳng định rằng, dù có là cây vàng tâm hay cây gỗ mỡ thì trồng trên đường phố Hà Nội đều không phù hợp. Nếu có thay thế cây hàng loạt như vậy thì nên trồng xen kẽ cây cũ và cây mới, đợi 10 năm sau khi xác định được loại cây đó có thay thế được hay không mới nên chặt bỏ cây trước.
Ông Cường cũng nghi ngại rằng, cây mỡ là loại cây sống ở vùng đồi, vùng đất chua, nay lại đưa về vùng trũng, ẩm ướt, có mực nước ngầm rất cao như ở Hà Nội thì có thể xảy ra thối rễ hoặc những tác hại khác chưa thể lường trước hết được.
"Đề án chặt hạ, di chuyển trồng 6.700 cây xanh" của thành phố Hà Nội đã và đang gây rất nhiều bức xúc trong dư luận, mặc dù đề án đã có lệnh dừng, nhưng chỉ dừng thôi chưa thể làm người dân yên tâm được. Hơn nữa, những loại cây thay thế trên các con đường, thậm chí là con đường đẹp nhất Việt Nam đang đứng trước rất nhiều rủi ro, cả về khả năng sống sót và lợi ích đơn thuần - cây bóng mát.
TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam cho biết, ông đã lấy mẫu cây mỡ trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh đem về nghiên cứu và khẳng định rằng loại cây này có bộ lá thưa, không thích hợp làm cây bóng mát và không thể thích hợp với khí hậu ở Hà Nội. Theo dự đoán của ông thì khả năng chết rất cao, bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp, Hà Nội có lúc nắng nóng tới 40 - 45 độ thì loại cây này khó mà sống được.
Bình luận của bạn