Theo truyền thuyết và Phật thoại, xa xưa, Người và Quỷ cùng sống trên mặt đất. Quỷ cậy mạnh chiếm đoạt toàn bộ đất đai và bắt Người đi làm thuê cho chúng với những điều kiện ngày càng khắt khe.
Với trò "ăn ngọn cho gốc", đến mùa gặt Quỷ lấy hết phần ngọn (những bông thóc), còn Người chỉ được phần gốc (rạ). Phật thương Người, mách bảo Người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, Người lấy hết củ, Quỷ chỉ được dây và lá khoai.
Quỷ tức tối, mùa sau quy định lại là "ăn gốc, cho ngọn". Người liền trở về trồng lúa như cũ. Vẫn thất bại, Quỷ đòi "lấy cả gốc lẫn ngọn". Phật mách Người nên trồng ngô. Người làm theo và lại thắng (vì bắp ngô ở khoảng giữa thân cây). Uất ức, Quỷ tịch thu toàn bộ ruộng đất, không thuê Người trồng cấy gì nữa.
Phật bảo Người thương lượng với Quỷ để mua một miếng đất chỉ bằng bóng chiếc áo cà sa. Người sẽ trồng một cây tre, trên đó mắc áo cà sa, đất của Người là phần đất giới hạn bởi bóng áo ấy. Quỷ nghĩ chẳng đáng là bao nên đồng ý, và hai bên giao ước: đất trong bóng áo là của Người, ngoài bóng áo là của Quỷ.
Khi Người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời. Tự nhiên đất trời trở nên âm u: bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất.
Quỷ không ngờ có sự phi thường như thế, mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất của chúng, chúng phải dắt nhau lùi mãi lùi mãi. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa, phải chạy ra biển.
Quỷ tập hợp lực lượng phản công hòng chiếm lại đất. Cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt. Biết quân của Quỷ sợ máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột nên Phật và Người sử dụng những thứ ấy làm vũ khí. Quỷ bị đại bại, bị Phật bắt, đày ra biển. Chúng van xin Phật, hàng năm, cho chúng vào thăm đất liền vài ba ngày. Phật thương tình, đồng ý.
Vì thế, hàng năm cứ đến ngày Tết Nguyên đán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì người ta theo tục trồng nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở.
Trên ngọn cây nêu, Người ta treo khánh đất nung để mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn nhắc bọn Quỷ nghe mà tránh. Cũng trên đó có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.
Những ý nghĩa sâu sắc
Trồng cây nêu đã trở thành tục lệ Tết phổ biến của các dân tộc Việt Nam: từ Kinh, Thái, Mường đến Ba Na, Gia Rai... Trên ngọn nêu, người ta thường treo một túm lá dứa, lông gà, cành đa, lá thiên tuế, những chiếc khánh và con cá bằng đất nung, cùng một tán tròn bằng tre nứa dán giấy đỏ.
Ngoài ra có nơi còn treo những chiếc đèn lồng, đèn xếp hoặc vài xấp tiền, vàng mã... Dù với dụng ý khác nhau, nhưng những vật treo đều tượng trưng cho mong muốn bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc cho con người. Ví như lá dứa để dọa ma quỷ (vì ma quỷ sợ gai), không cho chúng vào quấy phá.
Cái khánh đồng âm với "khánh" có nghĩa là "phúc": năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Cành đa tượng trưng cho điều lành và tuổi thọ. Tiền vàng mã để cầu tài, cầu lộc. Lông gà là biểu tượng chim thần (một sức mạnh thiên nhiên giúp người).
Đặc biệt, cây nêu còn coi là cây vũ trụ - nối liền Đất với Trời. Tán tròn bằng giấy đỏ tượng trưng cho Mặt Trời và ngọn nêu là nơi chim thần (sứ giả của Mặt Trời) đậu. Cuối năm (cuối mùa đông) mới trồng cây nêu để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón ánh nắng xuân, sức sống xuân.
Nghi thức thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam
Nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam được coi là độc đáo, trở thành hệ thống và có ý nghĩa riêng của nó. Khởi đầu những ngôi mộ trong hang động ở vùng trung du Bắc Bộ có những vật dụng đem theo cho người chết với sự tin tưởng người chết vẫn sống ở thế giới vĩnh hằng. Con người, ông bà, tổ tiên mình có thể thành Tiên, thành thần, thành thánh, thành Phật.
Chính vì vậy, người ta lập bàn thờ, nhà thờ một cách trang trọng. Khi cúng tế, người ta luôn cầu ân đức, tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu. Không chỉ ngày giỗ, ngày Tết mà còn có những dịp trong đại của con người như đám cưới, đám tang hay khi gặp hoạn nạn, làm ăn, đều khấn vái, kính cáo Tổ tiên.
Các nhà nho trước đây cho rằng thờ cúng tổ tiên chỉ để thể hiện chữ hiếu, với tinh thần chim có tổ, người có tông, uống nước nhớ nguồn.
Ngày nay, mọi gia đình người Việt Nam đều thờ tổ tiên và hầu hết đều có bàn thờ gia tiên, đó chính là quốc đạo, lấy con người làm chủ vạn vật, coi trọng âm đức, cái đức thiêng liêng của con người.
Bình luận của bạn