Chuyến đi dài từ sân bay quốc tế của Indonesia đến thành phố Yogyakarta trên đảo Java sẽ không khiến du khách mệt mỏi thêm. Sự chuyển tiếp của cảnh sắc bên ngoài, từ ruộng đồng đến đồi núi, rừng rậm, sự khép lại của những thành phố nhộn nhịp cho đến cái nóng bức của một đô thị nhiệt đới tỉnh lẻ… khiến cho du khách quên hết không gian và thời gian. Cho đến khi họ dừng chân ở một con đường ồn vào với hàng trăm chiếc xe lôi nhỏ.
So với Bali, số lượng du khách đi tới Yogyakarta ít hơn nhiều. Thành phố này là nơi giao thoa giữa văn hóa và giáo dục. Số lượng trường đại học tập trung ở đây khá lớn và do một gia đình hoàng gia điều hành. Không khó để có thể hiểu được vì sao thành phố này lại là một điểm đến tuyệt vời có thể níu chân du khách.
Điều đầu tiên bạn nhận thấy khi dừng chân nơi đây là những chiếc xe lôi. Đó là những chiếc xe bán hàng lưu động – warungs. Những chiếc thùng nhỏ phía đằng sau xe chứa đầy thực phẩm, thậm chí là một nhà hàng lưu động cho bạn. Warungs nằm dọc mọi con phố ở đây, thường được che kín bởi các tấm biển quảng cáo nhỏ, từ món mít hầm (gudeg) cho đến món satay dê non "huyền thoại".
Để có thể khám phá ẩm thực của thành phố này, bạn phải dành ít nhất 2 tuần ở đây. Và tôi đã dành hơn hai tuần để di chuyển từ warung này sang warung khác, rồi từ nhà hàng này đến nhà hàng khác.
Tôi được Tiko Sukarso - 39 tuổi, một người chuyển đến từ Jakarta, người đã điều hành một nhà hàng ở đây cho đến khi COVID-19 kết thúc và hiện đang điều hành một loại câu lạc bộ nấu ăn pop-up, dẫn đi khắp nơi. Tôi đã ăn mì xào (bakmi goreng) tại warung này, gà “chạy bộ” chiên (ayam goreng kampong) với sambal ngọt cay ở warung tiếp theo. Vào một bữa sáng lúc 7 giờ sáng, tôi đã tìm thấy warung của Bu Sukardi - người làm tàu hũ với trong nước đường thốt nốt gừng cay nồng (wedang tahu).
Một buổi tối, để cho mọi người thấy khía cạnh trang trọng hơn của ẩm thực Yogyakarta, anh Sukarso đã đưa tôi đến nhà hàng Java Griya Dhahar RB được trang trí công phu, tinh xảo với những chiếc ghế gỗ tếch chạm khắc, nơi chúng tôi thưởng thức những món ăn cổ điển như brongkos telur - một món hầm nước cốt dừa gồm đậu mắt đen, đậu phụ, trứng luộc và một loại thảo mộc đắng có tên là melinjo.
“Chúng tôi thích đậu phộng,” ông Sukarso nói. “Chúng tôi thích thứ gì đó béo ngậy trong nước sốt như nước sốt đậu phộng. Có thể nói, khẩu vị gốc của chúng tôi là thứ gì đó béo ngậy, ngọt ngào hoặc lên men.”
Giữa các bữa ăn, tôi đã thăm quan các bảo tàng, nhiều phòng trưng bày nghệ thuật, một triển lãm nghệ thuật đương đại thường niên lớn, một phiên chợ buổi sáng, vô số quán cà phê theo phong cách barista, một buổi biểu diễn khiêu vũ cổ điển và một buổi biểu diễn cabaret drag trong một không gian dành riêng cho trang phục Hồi giáo tại cửa hàng vải batik nổi tiếng nhất thành phố - cửa hàng Hamzah Batik. Điệu nhảy cổ điển bao gồm các cử chỉ tay tinh tế và các chuyển động cơ thể dừng lại theo dàn nhạc gamelan. Chương trình drag là một sự bùng nổ vui tươi của một sân khấu nhạc pop thuần túy, nơi những người hâm mộ đội khăn trùm đầu tạo dáng chụp ảnh tự sướng với các ngôi sao drag.
Tôi đến Yogyakarta lần đầu tiên vào năm 1980, lần thứ hai là năm 2023 khi một phần nhỏ thành phố này - Cosmological Axis (Trục Vũ trụ học) được Unesco công nhận là di sản thế giới Trục Vũ trụ học vào năm 2023. Địa điểm này được xây dựng vào thế kỷ 18 bởi một Vương quốc Hồi giáo vẫn cai quản khu vực này về mặt chính trị và tinh thần. Nó bao gồm các cấu trúc và biểu tượng của sự pha trộn hợp lý giữa các tín ngưỡng Ấn Độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo, đưa thành phố này trở thành trung tâm của vũ trụ.
Cosmological Axis nằm ở trung tâm thành phố, có vẻ khiêm tốn, thậm chí kín đáo. Nó bao gồm một tượng đài nhỏ, nhiều cổng, một số công sự, một nhà thờ Hồi giáo thấp, một khu phức hợp đáng yêu gồm các phòng tắm và khu vườn hiện không còn sử dụng được gọi là Taman Sari hay Đài phun nước và hai cây đa thiêng. Ở trung tâm của khu vực là Kraton - một cung điện trên khuôn viên trồng nhiều cây xanh, thoáng mát và thanh lịch, một phần trong số đó là nơi ở cũng như làm việc của quốc vương thứ 10 của Yogyakarta. Tòa nhà này cũng có trình diễn hoạt hình về các chu kỳ và nghi lễ của người Java. Các buổi biểu diễn múa và múa rối diễn ra hàng ngày, trong đó đẹp nhất là buổi biểu diễn múa tập vào sáng Chủ nhật, nơi những người biểu diễn được các bậc thầy hướng dẫn.
Một điều khác khiến bạn phải chậm lại trong chuyến du lịch của mình đó là văn hóa Yogya phức tạp, hướng nội. Màn trình diễn múa địa phương nổi tiếng nhất là trình diễn vở Ramayana - sử thi Hindu cổ đại, nhưng điều này phù hợp như thế nào với một quốc gia Hồi giáo - nơi các nhà thờ Hồi giáo vang lên tiếng cầu nguyện trước bình minh.
Đến Yogyakarta, đừng bỏ qua các quần thể đền thờ cổ bên ngoài thành phố có tên là Prambanan và Borobudur - hai công trình tráng lệ tôn vinh các tôn giáo có liên quan, được xây dựng trong vòng 100 năm bởi các vương quốc ở nơi đây. Hai công trình này đã bị bỏ hoang nhiều năm nhưng được phát hiện là phục hồi. Hiện nay, hai công trình này được coi là báu vật và mỗi công trình đều là di sản được UNESCO công nhận.
Prambanan là một quần thể các công trình kiến trúc Hindu khổng lồ được xây bằng đá núi lửa, có niên đại từ thế kỷ thứ chín. Những ngôi đền lớn nhất của quần thể này, được bao quanh bởi các tác phẩm chạm khắc nổi, bên trong các phòng chứa tượng Shiva, Ganesha, Durga và nhiều tượng khác. Phần lớn địa điểm này đã bị phá hủy không lâu sau khi xây dựng, có thể là do vụ phun trào của ngọn núi lửa Merapi gần đó. Trong số 240 ngôi đền ban đầu, chỉ có một vài ngôi đền trung tâm được khôi phục lại vào thế kỷ 20, vì vậy địa điểm này rải rác vô số đống đổ nát của các tòa nhà nhỏ hơn. Đây là nơi mà vũ trụ sáng tạo của con người đối đầu với sự hủy diệt mang tính sáng tạo - nếu không phải là của thần hủy diệt Shiva, thì cũng là của trái đất.
Cách đó ba mươi dặm, thậm chí gần núi lửa hơn, là Borobudur - ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Đền Borobudur cũng có khả năng được xây dựng vào thế kỷ thứ chín, để bị bỏ hoang sau vài trăm năm trong thời kỳ Phật giáo suy tàn và Hồi giáo trỗi dậy. Ở đây, như học giả Phật giáo Hudaya Kandahjaya được đào tạo tại Đại học Berkeley đã nói với tôi, là một "Dharma", nghĩa là không phải để thờ cúng mà là để hướng dẫn. Nó rộng gần 400 feet vuông và cao 10 tầng. Du khách đi từ dưới lên, vừa đi vừa nghiên cứu các tấm phù điêu chạm khắc về sự cám dỗ trần tục, đến đỉnh không được trang trí, tượng trưng cho sự giác ngộ, nơi có ba tầng được bao quanh bởi 72 bảo tháp rỗng hình chuông lớn, bạn có thể nhìn vào để thấy tượng Đức Phật.
Borobudur là ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới, với một bảo tháp trung tâm được bao quanh bởi 72 bảo tháp nhỏ hơn hình chuông, nhiều bảo tháp có tượng Phật ngồi (phía trên). Có 2.672 tấm phù điêu mô tả những câu chuyện và bài học ẩn giấu trong đó. Ngày nay, số lượng du khách được vào thăm quan đền hàng ngày chỉ được giới hạn ở 1.200 người, phải có hướng dẫn viên đi cùng.
Ở thành phố này, tôi đã gặp may. Tôi đã gặp một nghệ sĩ nổi tiếng Siti Adiyati - 72 tuổi, thuộc dòng dõi hoàng gia địa phương. Khi tôi hỏi về Trục vũ trụ, bà đã mời tôi đến nhà bà. Bà Adiyati là một nhà hoạt động xã hội từ những năm 1970.
Trong không gian ngoài trời bên cạnh khu nhà mình, bà đã vẽ một bức đồ họa khổng lồ. Đây là Kraton và các phụ kiện vũ trụ của nó, bao gồm tám cánh cổng có ý nghĩa tượng trưng. Bà nói, hãy lưu ý trục hướng về phía bắc đến núi lửa Merapi. Về phía nam là biển khơi, nơi sinh sống của một nữ thần trong thần thoại địa phương. Bà Adiyati cũng đã vẽ các mandala, bao gồm cả Borobudur. Có một bức tranh biếm họa về cơ thể con người, liên quan đến các cử chỉ có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo và Phật giáo mà bà Adiyati đã học từ các điệu múa Java khi bà còn nhỏ.
“Đây,” bà vừa nói vừa chỉ tay về phía các tác phẩm phức tạp của mình và cười, “là tôi.” Ý bà cũng muốn nói đến thành phố của bà.
“Nếu bạn đi một mình, bạn có thể đi nhanh hơn. Nhưng nếu bạn đi theo nhóm, bạn có thể đi xa hơn.”, nghệ sĩ Rangga Purbaya - 48 tuổi, giải thích vào một buổi chiều khi chúng tôi uống cà phê gần một cây đa khổng lồ tại Bảo tàng Quốc gia Jogja, một không gian nghệ thuật đương đại.
Ông Purbaya - người biến những bức ảnh chụp thành các tác phẩm nghệ thuật, đã giải thích về tinh thần cộng đồng của thành phố, một phần được thể hiện qua nhiều nhóm nghệ sĩ - trong đó ông quản lý một nhóm.
Nhiều người khẳng định rằng Yogyakarta là một thành phố sống chậm hơn, cộng đồng hơn so với vẻ bề ngoài. Nona Yoanisarah, 32 tuổi, một nghệ sĩ có công việc phụ ở một công ty Mỹ, cho biết: “Yogyakarta bình tĩnh hơn, chậm hơn, mềm mại hơn; nó khác biệt. Nó là một thành phố nhỏ, nhưng theo một cách lớn lao.”
Để cảm nhận được điều đó, người ta phải đi bộ qua các kampong - những ngôi làng trong thành phố, những cụm nhà trong những con phố hẹp giống như mê cung. Nên đi bộ qua các Kampong mà không cần đích đến. Người ta thấy những chú mèo được ăn no đang nằm duỗi phơi nắng, những chú gà đang kiếm ăn, những chú chim hót trong những chiếc lồng tinh xảo, những bức tường và cánh cửa có màu sắc đáng yêu và vô số cây trồng trong chậu.
Kampong là những ngôi làng trong thành phố, với những cụm nhà được bố trí theo kiểu mê cung trên những con phố hẹp. Một trong những kampong yêu thích của tôi bao gồm khu vực phía đông của Đài phun nước và chợ Pasar Ngasem - một khu vực có một số cửa hàng du lịch, đẹp và đa dạng về kiến trúc. Một khu kampong khác là gần nhà thờ Hồi giáo Masjid Ghedhe Mataram ở khu vực thành phố cổ Kotagede. Nhà thờ Hồi giáo thế kỷ 18 này là nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất trong thành phố, nên được nhìn thấy vì phong cách kiến trúc của cổng và tường, kết hợp các họa tiết Hindu đã ảnh hưởng lâu dài đến thiết kế của người Java.
Đi từ phía đông và phía nam qua một mê cung nhà cửa, kampong bắt đầu từ sự giàu có (hãy thử một tách cà phê sang trọng tại quán cà phê Longkang Kotagede hoặc tìm quán cà phê Legian có bóng cây đa kỳ lạ), rồi trôi về phía nam vào một khu vực có cây cối, động vật và không gian chung lộn xộn, nơi gợi lên một ngôi làng nông thôn vượt thời gian.
Sau khi đã thăm quan các ngôi đền, nếm thử warungs, đi bộ qua kampongs và tưởng tượng ra Trục vũ trụ, giờ đây bạn đã là một du khách được chứng nhận của Yogyakarta. Như một cư dân địa phương đi du lịch vòng quanh thế giới, người đã sống ở Sacramento và Chiang Mai, Thái Lan, cùng nhiều nơi khác, đã nói với tôi, "Những du khách đến Yogyakarta đều quay trở lại."
Bình luận của bạn