Glocom là bệnh mãn tính do tình trạng nhãn áp tăng gây tổn thương thần kinh thị giác, làm giảm thị lực, thậm chí mất thị lực hoàn toàn. Đặc biệt, bệnh nguy hiểm do không có một loại thuốc hay phẫu thuật nào có thể làm phục hồi những tổn thương chức năng và thực thể do glocom gây ra.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên có thể phòng tránh được mù lòa do Glocom bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên.
Trường hợp bệnh nhân Lâm Thị Thu, 25 tuổi, cách đây 2 năm bác sĩ chẩn đoán bị Glocom. Sau khi điều trị bằng phẫu thuật và uống thuốc, bệnh Glocom của chị đã ổn định. Tuy nhiên, do chủ quan chị Thu đã không đi khám và dùng thuốc thường xuyên nên cách đây một tháng chị Thu lại tiếp tục phải nhập viện. Các bác sĩ cho biết thị lực hai mắt của chị rất kém và gần như là không nhìn thấy gì.
Lâm Thị Thu, Hải Phòng cho biết: "Khi nhập viên, các bác sĩ đã chẩn đoán và kết luận tôi bị viêm đầu thống - Glocom, hỏi có tra thuốc gì không? Tôi trả lời không tra thuốc gì, chỉ có một nguyên nhân là trước đây ông ngoại tôi cũng bị. Các bác sĩ nói, có lẽ là do gen di truyền. Trường hợp bị lại là do suy nghĩ nhiều và quan trọng nhất là không tra thuốc".
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh Glocom như việc sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa chất kháng viêm corticoid lâu dài, cận thị, đái tháo đường, cao huyết áp và di truyền... Tuy nhiên, người mắc bệnh glocom không có triệu chứng rõ ràng và nhiều khi nhầm lẫn với những bệnh khác.
Các bác sĩ cho biết, bệnh Glocom biểu hiện trong cơn cấp gồm mắt đỏ, nhìn mờ, đau nhức mắt rồi lan lên nửa đầu cùng bên, kèm theo buồn nôn và nôn.
TS., Bác sĩ Đỗ Tấn, Quyền trưởng khoa Glocom, bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: "50% còn lại của bệnh Glocom nguyên phát là bệnh mãn tính có nghĩa triệu chứng bệnh cơ năng rất âm thầm, đôi khi người bệnh cảm thấy nặng mắt, căng tức mắt, nhìn mờ thoáng qua, đôi khi không có triệu chứng gì, do vậy bệnh nhân không để ý tới".
Các nghiên cứu cho thấy bệnh Glocom gây tổn hại thần kinh thị giác biểu hiện từ ngoại vi vào trung tâm nên biểu hiện ban đầu thường khó nhận biết. Khi thị lực đã giảm sút thì tổn thương thần kinh thị giác đã ở giai đoạn nặng.
Những tổn hại thực thể và chức năng do bệnh Glocom gây ra khi đã
hình thành sẽ vĩnh viễn và không có khả năng hồi phục. Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị Glocom
là: Điều trị nội khoa bằng thuốc, điều trị bằng tia laser và điều trị bằng phẫu thuật.
Nói về các phương pháp điều trị và khuyến cao, TS Bác sĩ Đỗ Tấn, Quyền trưởng khoa Glocom, Bệnh
viện Mắt TW cho biết: "Bệnh Glocom cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một phương pháp điều trị
triệt để, chưa thể chữa khỏi được. Tuy nhiên, có thể kiểm soát được bệnh với điều kiện phải đi khám
và phát hiện kịp thời, có những điều trị bằng thuốc, có giai đoạn phải điều trị bằng laser và cuối
cùng điều trị bằng phẫu thuật. Có những hợp được phẫu thuật ổn định một thời gian, sau đó có thể bị
lại, do vậy việc thăm khám định kỳ cũng như chế độ điều trị và theo dõi của bác sĩ là điều rất quan
trọng trong việc điều trị chức năng thị giác".
Trong điều trị bệnh Glocom, người bệnh cần phải khám định kỳ, dùng thuốc thường xuyên. Bệnh Glocom có yếu tố di truyền nên người bệnh và những người ruột thịt của bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện bệnh sớm và đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để điều trị kịp thời.
Đối với những người có nguy cơ cao như: đái tháo đường, cao huyết áp, cận thị, giác mạc nhỏ… cần thường xuyên kiểm tra mắt để phòng tránh bệnh Glocom.
Bình luận của bạn