Có nên tự ý đưa người gặp tai nạn giao thông đi cấp cứu?

Khi gặp người bị tai nạn giao thông, không phải lúc nào cũng nên tự ý đưa họ đi cấp cứu

Hơn 200 ca cấp cứu mỗi ngày, chủ yếu do tai nạn giao thông

Hơn nửa vạn người chết vì tai nạn giao thông 7 tháng đầu năm

Tai nạn giao thông, 3 người tử vong

6 ngày nghỉ lễ, hơn 160 người chết vì tai nạn giao thông

Trao đổi với PV, Đại tá, Bác sỹ Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103 cho hay, không phải tất cả trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông đều nên tự động đưa tới bệnh viện. "Người bình thường không biết cách đánh giá chấn thương của nạn nhân dẫn tới việc có thể làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Đã có rất nhiều trường hợp, tình trạng của nạn nhân xấu đi sau khi di chuyển", BS. Tiến cho hay.

Theo ông, việc sơ cứu trước khi nhập viện cho nạn nhân rất quan trọng. Trong đó, bất kể quyết định di chuyển nạn nhân đều cần phải có kiến thức chuyên môn để đánh giá tình trạng và hướng giải quyết. Không có công thức chung cho tất cả trường hợp.

Theo đó, nạn nhân bị tai nạn giao thông dễ bị chấn thương đầu, chấn thương bụng, gãy đốt sống cổ, nếu tự ý di chuyển nạn nhân không đúng cách dễ dẫn đến nguy cơ bị liệt toàn thân hoặc tử vong.

Cụ thể, một số trường hợp như bệnh nhân đang bị sốc, choáng hoặc mất nhiều máu cần phải đặt nằm bất động tại chỗ im, sau đó kiểm tra đường thở trước khi quyết định sơ cứu tại chỗ hay đưa đến bệnh viện.

Do đó, BS. Tiến khuyến cáo những kiến thức xử lý sơ đẳng khi gặp người tai nạn cần phải được phổ biến đến toàn dân song công tác này hiện làm chưa tốt.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thế Hào - Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho hay trong bất kỳ trường hợp tai nạn giao thông, khó có thể khẳng định nên hay không nên đưa nạn nhân đi cấp cứu bởi các tình trạng khác nhau sẽ có cách xử lý tại chỗ khác nhau. Ngay cả với người làm y tế việc sơ cứu cũng không hề đơn giản.

Khi gặp nạn nhân bị thương nặng, nhất là các vụ va chạm giao thông mạnh, cách tốt nhất là đặt họ nằm yên, không nên động vào nạn nhân nhiều lần. Sau đó, cần nhờ người có chuyên môn đến sơ cứu trước khi nhập viện.

"Cần phải xác định đó là nguyên tắc xử lý nhằm đảm bảo tính mạng tốt nhất cho nạn nhân chứ không phải sự thờ ơ, vô trách nhiệm", BS. Tiến chia sẻ. 

Một số lưu ý khi gặp người bị chấn thương:

- Không đặt người bị nạn nằm ngửa.

- Không lấy bỏ bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Nếu bị vật gì nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra, vì lúc này nó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, nạn nhân mất máu nhiều, có thể bị tử vong.

- Không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn, có thể gây tổn thương cột sống cổ.

- Không di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định.

- Không di chuyển người bị nạn bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ do chở đi bị xóc đã tử vong trước khi vào viện do liệt hô hấp.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin