Trong báo cáo thường niên về công tác phòng chống căn bệnh nguy hiểm này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số người chết trong năm 2012 đã giảm 100.000 người so với năm trước đó. Số mắc bệnh lao trong năm 2012 được ước tính là 8,6 triệu người, cũng giảm 100.000 so với năm 2011 và bằng gần một nửa mức của năm 1990. Tuy nhiên chỉ 2/3 số trường hợp được chẩn đoán.
"Việc điều trị có chất lượng bệnh lao cho hàng triệu người trên thế giới đã đưa số tử vong do lao đi xuống", Mario Raviglione, giám đốc chương trình Lao của WHO nói trong bài phát biểu, "Nhưng có quá nhiều người vẫn chưa được nhận sự chăm sóc này và đang phải gánh chịu hậu quả. Họ không được chẩn đoán, không được điều trị, hoặc không có thông tin về chất lượng của việc chăm sóc mà họ nhận được". Theo WHO, gần 1/3 số ca bệnh lao hồi năm ngoái là ở khu vực Đông Nam Á, khoảng hơn 1/4 là ở châu Phi và khoảng 1/5 ở khu vực Tây Thái bình Dương. Ấn Độ chiếm 26% số ca, còn Trung Quốc chiếm 12%.
Kể từ khi WHO phát động chương trình chống lao năm 1995, tổng số đã có 56 triệu người được điều trị và 22 triệu người được cứu sống. Mối lo ngại lớn nhất hiện nay của các chuyên gia y tế là lao kháng đa thuốc (MDR-TB), nảy sinh từ việc điều trị kém chất lượng đối với chủng lao thông thường.
Lao kháng đa thuốc có thể nhờn với isoniazid và rifampicin, là những thuốc dùng điều trị lao thông thường. Dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ không có vắc-xin lao mới nào được đưa ra thị trường. WHO ước tính chỉ riêng năm 2012 đã có 450.000 bị lao đa kháng thuốc, tập trung nhiều nhất ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Tuy nhiên 3/4 số trường hợp lao kháng đa thuốc bị cho là chưa được chẩn đoán, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Còn những trường hợp phát hiện được thì lại không hoặc phải đợi rất lâu mới được điều trị.
"Nhu cầu chưa được đáp ứng về đáp ứng toàn diện và có chất lượng với bệnh lao kháng đa thuốc là một cuộc khủng hoảng thực sự về sức khỏe cộng đồng", Raviglione nói. Lao đa kháng thuốc đã cướp đi 170.000 nghìn sinh mạng vào năm ngoái. WHO cũng nhấn mạnh rằng ngân sách dành cho chương trình chống lao chưa đạt mục tiêu. Hiện còn cần thêm 2 tỷ đô la bổ sung cho ngân sách 8 tỷ đô la mỗi năm để chống lại căn bệnh này ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Bình luận của bạn