20 năm hiến máu nhân đạo: Nghiệp lành của những thiên thần

100 vị "anh hùng" của người bệnh

Năm 2014, thông điệp của Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện là “Máu an toàn cho bà mẹ, em bé và cho mỗi chúng ta”.

100 gương mặt tiêu biểu cho cả ba miền đã tụ họp tại Hà Nội để cùng nhau chia sẻ, giao lưu và ôn lại những kỷ niệm đẹp về 20 năm hiến máu nhân đạo.

Là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc chị Phan Thị Thanh Nhã, đến từ tỉnh Tây Ninh đã có những lời vô cùng tâm huyết và đầy xúc động: Đây là lần đầu tiên tôi được ra Bắc, được về với Thủ đô Hà Nội, về với Đền Hùng - nơi linh thiêng cội nguồn của dân tộc.

Tôi thấy mình may mắn vô cùng. Tôi rất vui, rất xúc động. Và tôi chợt nhận thấy những gì mình đã làm quá nhỏ bé, mình cần cố gắng phấn đấu hơn nữa, mới xứng đáng với những gì mình đang được hưởng.

Với việc hiến máu tình nguyện, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn của hành động cao đẹp đó. Tôi sẽ tiếp tục hiến máu và vận động nhiều người khác cùng hiến máu để mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc, nhiều niềm hy vọng và mở ra thế giới cho những người thiếu may mắn hơn mình.

Ông Võ Thanh Xuân - giáo viên trường THCS Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre hào hứng: "Phong trào hiến máu tại tỉnh Bến Tre hiện nay đã lớn mạnh, có rất nhiều người tham gia hiến máu và hiến máu nhiều lần, được có mặt tại đây, tôi hết sức vinh dự khi được đại diện cho người hiến máu của tỉnh tham gia chương trình tôn vinh cấp quốc gia”.

Ông chia sẻ: "Lần đầu tiên huyện Châu Thành tổ chức hiến máu, cả huyện chỉ tiếp nhận được 13 đơn vị máu; nhưng với sự nỗ lực và chỉ đạo của các cấp, người dân Bến Tre đã tích cực và nhiệt tình hơn với hoạt động tình nghĩa này".

Ông Trang Tuấn Phát đến từ phường 12, quận 8, TP.HCM chia sẻ câu chuyện về hành trình 20 năm với hơn 70 lần hiến máu. Ông kể vào tháng 12 năm 1994, tình cờ anh đọc một bài báo về hiến máu nhân đạo trên báo công an thành phố. Lúc ấy, báo công an thành phố chỉ lưu hành nội bộ, nhà anh có người thân công tác tại báo nên mới có dịp đọc báo.

Bài viết về nghĩa cử hiến máu cứu người khiến anh ám ảnh. Ngay ngày hôm sau, anh Phát tìm đến điểm hiến máu nhân đạo và tình nguyện hiến máu cứu người. 20 năm nay anh hiến được 95 đơn vị máu.

Còn bác Trần Bửu Kiếm, xã Thạch Phú, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ với 24 lần hiến máu từ năm 2002 đến nay. Bác Kiếm kể về việc cả gia đình vợ và con trai cùng nhau đi vận động bà con hiến máu. Mối lần đến nhà, người ta lại đuổi ông bà ra khỏi nhà vì không ai muốn hiến máu. Nhưng ông bà kiên trì vận động đến nay ông bà vận động được 500 người hiến máu.
Đây chính là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa nhân ái của dân tộc. Họ không chỉ trực tiếp chia sẻ giọt máu của chính mình để cứu sống người bệnh mà còn tích cực vận động nhiều người cùng tham gia hiến máu. Họ xứng đáng là những "anh hùng" của người bệnh.

GS.TS.Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thay mặt những người bệnh được cứu sống nhờ truyền máu gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới những “người hùng”, những người đã hiến một phần sự sống cho chính cộng đồng của mình. GS. Trí cũng hi vọng sau cuộc hành trình đầy ý nghĩa này, mỗi người trong chúng ta lại tiếp tục là những tấm gương sáng trong hoạt động hiến máu tình nguyện tại các địa phương.

Ban tổ chức mong muốn sẽ nâng cao nhận thức cho người dân về hiến máu an toàn và các chế phẩm máu cần thiết cho những trường hợp cấp cứu, điều trị thiếu máu, chảy máu ở các bà mẹ trong quá trình mang thaisinh con

Sự kiện này cũng tôn vinh người hiến máu thể hiện sự tri ân trân trọng của cộng đồng, xã hội dành cho người hiến máu, đồng thời kêu gọi các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hiến máu vì sức khỏe của chính mình và người bệnh cần truyền máu.

Khánh Ngọc

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn