3 cô gái thoát chết sau nhiều ngày hôn mê vì sốt xuất huyết

Các bác sĩ cho biết, đây là những trường hợp sốt xuất huyết nhập viện với bệnh trạng nặng nhất mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM từng điều trị.

sot-xuat-huyet-1377307059.jpg

Một trường hợp sốt xuất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Ảnh: Thiên Chương

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa Nhiễm D, trường hợp thứ nhất, bệnh nhân Thanh Ngân được đưa đến sau 3 ngày hôn mê tại bệnh viện ở Bà Rịa. Khi nhập viện, cô gái suy hô hấp, suy tuần hoàn, xuất huyết ngoài da và xuất huyết nội tạng ồ ạt. "Người bệnh tím tái toàn thân, không thể tự thở, dấu hiệu sinh tồn gần như bằng không", bác sĩ Trường nói.

Tại khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc người lớn, Thanh Ngân được đặt nội khí quản để thở bằng máy, lọc máu đồng thời truyền bù lượng máu đã mất. Phải mất đến 48 giờ sau khi nhập viện, bệnh nhân được khống chế tình trạng xuất huyết nội tạng, tuy nhiên vẫn còn hôn mê.

"Mọi việc tưởng vô vọng thì đến ngày thứ 5, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi phục chức năng gan thận và hô hấp. Việc lọc máu thực hiện đến ngày thứ 7 thì bệnh nhân tỉnh dần. Người bệnh tiếp tục điều trị suy gan suy thận đến ngày thứ 14 thì các tổn thương này bình phục hẳn", một bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, nói.

Có tất cả 19 đơn vị hồng cầu lắng, 18 đơn vị tiểu cầu, 7 đơn vị huyết tương đông lạnh, 5 đơn vị kết tủa, tương đương 10 lít máu đã được truyền cho bệnh nhân. Đến sáng 24/8, Ngân đã hoàn toàn bình phục. Đây được xem là trường hợp tưởng đã tử vong nhưng lại được cứu sống tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Ở trường hợp thứ hai, bệnh nhân 22 tuổi được chuyển đến từ Bệnh viện Lê Lợi (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng trong tình trạng sốc nặng, rối loạn tri giác, mê man, xuất huyết ồ ạt, tổn thương nội tạng. Bằng những biện pháp cấp cứu và điều trị tích cực như lọc máu, bù máu các bác sĩ đã giúp bệnh nhân bình phục sau hơn 10 ngày thở máy.

Bệnh nhân thứ ba 17 tuổi nhà ở Đăk Lăk, bị sốt xuất huyết đặc biệt hiếm gặp bởi khi vào viện, tình trạng xuất huyết đã khiến cô chỉ còn khoảng 12% hồng cầu trên tổng lượng 40% hồng cầu của người bình thường. "Bệnh nhân sốc mất máu nghiêm trọng, toàn thân xanh như tàu lá. Chúng tôi đã phải bù máu liên tục trong nhiều ngày thì người bệnh mới dần hồng hào trở lại. Chỉ cần nhập viện muộn hơn vài phút, bệnh nhân chắc chắn tử vong", đại diện êkíp cấp cứu cho biết.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho hay, đến nay sức khỏe của cả 3 bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định và một người đã xuất viện. "Đây là 3 ca sốt xuất huyết nguy kịch nhất từ trước đến nay mà chúng tôi cứu sống", bác sĩ Châu cho biết.

Với tư cách là thành viên ban điều hành dự án phòng chống sốt xuất huyết quốc gia, bác sĩ Châu cho biết, sốt xuất huyết người lớn đang có xu hướng tăng. Hiện tỷ lệ bệnh người lớn chiếm 42% và nguy hiểm hơn cả là người lớn thường chủ quan nghĩ bị cảm sốt thông thường nên khi nhập viện thì bệnh đã khá nặng.

"Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM đang tổ chức lớp tập huấn cho các đa khoa tỉnh trong khu vực, tăng cường kiểm tra giám sát vấn đề chẩn đoán, điều trị; tiếp tục phối hợp với ĐH Oxford nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố liên quan đến bệnh nặng, đáp ứng miễn dịch trong bệnh sốt xuất huyết", bác sĩ Châu nói.

Hiện trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới tiếp nhận khoảng 20 trường hợp người lớn mắc sốt xuất huyết.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin