50% người Việt bị nhiễm giun

Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết, 50% người Việt Nam tại các vùng có thể bị nhiễm giun, đa phần là trẻ em, học sinh. Tỷ lệ trẻ em nhiễm giun ở khu vực phía Nam là 10-50%, trong khi ở miền Bắc - vùng có thói quen canh tác sử dụng phân tươi bón ruộng đất khá phổ biến - thì có nơi đến hơn 80% trẻ nhiễm giun sán.


Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, tình trạng môi trường sống ô nhiễm cùng với vốn kiến thức thực hành vệ sinh cá nhân đúng cách còn hạn chế nên người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em dễ trở thành đối tượng của các bệnh lý nguy hiểm do nhiễm giun lâu dài.


Các loại giun phổ biến ở Việt Nam là giun đũa, giun móc, giun kim, giun lươn. Còn các loại sán phổ biến là: sán lá gan, sán phổi, sán lợn, sán bò... Tùy theo điều kiện vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân mà trẻ bị mắc bệnh hay không nên nguy cơ nhiễm giun của trẻ thành phố và nông thôn là như nhau.

Các bệnh liên quan đến giun ký sinh gây nên nhiều tác hại như thiếu máu, thiếu vi chất, suy dinh dưỡng, gây bệnh ở gan mật, phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần cho người bệnh, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ có thai. Nghiêm trọng hơn là các triệu chứng, biến chứng do bệnh giun đường ruột, bệnh sán lá gan, sán lá phổi, bệnh ấu trùng sán lợn gây lên như viêm đường mật, viêm tụy cấp, tắc ruột, tổn thương gan, xơ gan, tổn thương hệ thần kinh… Với những người có sức đề kháng yếu thì bệnh lý ngày càng xấu và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

80% các loại rau sống có nguy cơ bị nhiễm giun

Hiện nay, do người trồng rau chạy theo lợi nhuận nên trong rau sống có nhiều dư lượng chất kích thích và bảo quản thực vật. Vì vậy, khoảng 80% các loại rau sống bán ở chợ có nguy cơ nhiễm khuẩn do ký sinh trùng và dư lượng thuốc trừ sâu có trong các loại rau này.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin