50% trẻ em bị mất thính lực do tiếng ồn

Có khoảng 50% trẻ em bị mất thính lực do tiếng ồn. Điều này thường bị chẩn đoán sai khi trẻ em học tập kém, chậm phát triển… “Thủ phạm” gây ô nhiễm tiếng động bao gồm tivi, âm thanh nổi, máy móc, giao thông, máy MP3… Cũng giống như ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn có tác hại khôn lường, ảnh hưởng rất nghiêm trọng lên cuộc sống con người.

Tại sao mất thính lực?

Rung động của những âm thanh khác nhau sẽ tác động vào nhung mao trong tai theo những cách khác nhau và truyền những tín hiệu khác nhau tới não, giúp chúng ta phân biệt các loại âm thanh. Lớp nhung mao ở trong tai có thể bị hư hỏng, hoặc do một âm thanh quá to hoặc do sự tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn. Những tế bào nhung mao có thể tái tạo sau 48 giờ. Đây là tình trạng mất thính lực tạm thời. Tuy nhiên, nếu nặng và không có khả năng tự phục hồi thì tình trạng bị điếc có thể xảy ra. Nguyên nhân của sự mất thính lực có thể xếp vào 2 nhóm:

Minh họa: Khều

- Tác động lên sự dẫn truyền: Xảy ra do một bất thường về cơ chế, chẳng hạn dịch ở trong tai, thủng màng nhĩ, những xương nhỏ của tai không thể dẫn âm thanh tới xoắn tai, màng nhĩ không thể rung… May mắn thay, các trường hợp mất thính lực như thế này có thể hồi phục được.

- Tác động lên thần kinh: Xảy ra khi những tế bào thần kinh trong xoắn tai bị tổn thương, những sợi lông nhỏ trong xoắn tai bị gãy hay bị cong, tế bào thần kinh bị thoái hóa, những tín hiệu điện không được truyền đi một cách hiệu quả…

Hiện nay, nguyên nhân phổ biến làm giảm thính lực là sự tổn thương dần dần do tiếp xúc với tiếng ồn. Điều này hiếm khi xảy ra điếc. Đôi khi những tổn thương chỉ là tạm thời nếu sự tiếp xúc với tiếng ồn được giới hạn. Thế nhưng, khi những tổn thương này lặp đi lặp lại nhiều lần thì điếc vĩnh viễn có thể xảy ra.

Những yếu tố rủi ro

- Tuổi tác: Nếu một người cao tuổi có thói quen mở âm lượng tivi cao hơn bình thường, người đó có thể bị giảm thính lực. Có 50% người trên 75 tuổi bị mất thính lực.

- Tiếp xúc tiếng ồn: Một chuỗi tiếng động liên tiếp với cường độ 85 dB có thể làm giảm thính lực. Đây có thể là âm thanh của một pha hỗn độn giao thông. Một bản nhạc rock có âm lượng 110-120 dB, MP3 cũng thế. Theo một quy luật tổng quát, bạn không nên để cho tai tiếp xúc với tiếng ồn 85 dB hơn 1 giờ mỗi ngày.

- Di truyền: Kiểu gien của bạn cũng có thể làm bạn bị mất thính lực. Nếu trong gia đình có ai bị mất thính lực, bạn cần nên có những biện pháp phòng ngừa.

- Dược phẩm và hóa chất: Một loại kháng sinh là Gentamicin có thể làm tổn thương tai trong. Aspirin liều cao có thể tác động tạm thời trên thính lực như ù tai, mất thính lực tạm thời. Các chất dung môi cũng có khả năng gây mất thính lực. Những nghiên cứu mới nhất đã cho thấy liệu pháp hormone thay thế (HRT) cũng có ảnh hưởng thính lực do tác động của progestin. Nếu bạn đang sử dụng những loại dược phẩm này, nên có những cuộc kiểm tra tai định kỳ 6 tháng.

- Bệnh tật: Cảm cúm, sốt, viêm màng não (meningitis) có thể làm tổn thương xoắn tai, nhiễm vi khuẩn có thể gây tổn hại các tế bào nhung mao, gây mất thính lực, ù tai. Huyết áp cao cũng có thể ảnh hưởng đến những tế bào nhỏ ở tai giữa. Nhiễm trùng tai là nguyên nhân phổ biến gây mất thính lực ở trẻ em và cần phải được theo dõi một cách kỹ luỡng.

- Chấn thương: Thủng màng nhĩ do bệnh tật hoặc do chấn thương trực tiếp như tiếng ồn, do mổ tai để điều trị nhiễm trùng… Những nguyên nhân này có thể làm giảm thính lực do những vết sẹo để lại trên màng nhĩ.

- Suy dinh dưỡng: Thiếu các vitamin, khoáng chất, chất chống ôxy hóa (antioxidants) như axít folic, kẽm, đồng, magnesium… có thể làm tăng nguy cơ giảm thính lực.

- Thuốc lá: Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá có xác suất 70% giảm thính lực. Khói thuốc làm ôxy hóa những tế bào trong cơ thể, bao gồm cả những tế bào lông cực kỳ nhạy cảm trong tai.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Ngăn ngừa sự mất thính lực hiệu quả hơn chữa mất thính lực một khi tổn thương xảy ra. Giảm sự tiếp xúc với tiếng ồn là yếu tố quan trọng. Dùng những dụng cụ gắn vào tai để làm giảm tiếng ồn khi vận hành máy móc, thiết bị, khi đi xe máy, khi chơi bắn súng…

Đối với trẻ em, người lớn nên kiểm tra những thiết bị âm thanh như MP3 chẳng hạn, lưu ý nên để âm lượng không quá 60% âm lượng tối đa (maximum).

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin