6 người ngộ độc sau khi ăn cá nóc mít

Trao đổi với PV ngày 18/6, ông Hồ Kim Phương, Trưởng khoa Tiêu hóa và huyết học Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết, sau một ngày cấp cứu vợ chồng ông Nguyễn Văn Khá (63 tuổi) và bà Bùi Thị Há (61 tuổi), ngụ Hậu Giang, đã qua cơn nguy kịch.


Sáng 16/6, bà Há mua cá nóc mít nước ngọt từ một người chài lưới gần nhà. Bà làm sạch và giữ lại gan để nấu cho cả nhà 5 người ăn cơm, một láng giềng đến chơi cũng được mời dùng cá.

Hơn nửa giờ sau, 6 người ăn cá có triệu chứng ngộ độc như vật vã, tê khắp người và choáng váng. Người hàng xóm ăn ít đã kịp nôn, tự sơ cứu; 5 người trong gia đình bà Há được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Phụng Hiệp.

Do ngộ độc nặng, trưa hôm sau vợ chồng bà Há được chuyển lên Cần Thơ. 3 người còn lại đang điều trị tại bệnh viện huyện, sức khỏe đã ổn định.

Cá nóc mắt đỏ được người dân miền Tây gọi là cá nóc mít, có kích thước lớn nhất khoảng 6 cm, thường sống ở những thủy vực có dòng chảy. Độc tố của loài cá nóc nước ngọt này được xác định là tetrodotoxin, tương tự như độc tố cá nóc biển Việt Nam và một số loài sinh vật độc khác như so, mực đốm xanh...

Kích cỡ và trọng lượng khá nhỏ nên người dân thường ăn toàn bộ cơ thể cá nóc mít khiến khả năng ngộ độc rất cao (độc tố nhiều nhất ở cơ quan sinh dục và gan), có thể gây tử vong cho người ăn.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn