Mãi đến năm 1992, sau nhiều nỗ lực học tập tại Cuba của các bác sĩ và sự hỗ trợ của Đài Loan chúng ta mới thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện 103. Từ thành công ban đầu này, đến năm 2008 đã có 11 bệnh viện trên cả nước thành thạo kỹ thuật ghép thận. Tiếp nối thành công trên, đầu năm 2004 ca ghép gan trên người đầu tiên được thực hiện thành công tại Học viện Quân y và triển khai tại các bệnh viện Nhi Trung Ương, Nhi Đồng 2, TPHCM, bệnh viện Việt Đức. Đến năm 2012 ca ghép gan trên người lớn đầu tiên được thực hiện thành công tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Năm 2006, Luật hiến tạng từ người cho chết não được Quốc hội thông qua tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều kỹ thuật ghép tạng khác. Từ việc chỉ được thực hiện ghép tạng trên người cho sống (ghép thận và ghép gan) Việt Nam đã tiến thêm một bước quan trọng khi thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên (ngày 17/6/2010) tại Học viện Quân y. Ca ghép tim thứ hai do 100% bác sĩ trong nước thực hiện đã thành công tại bệnh viện Trung Ương Huế (ngày 2/3/2011). Đặc biệt, ngày 14/3/2011 bệnh viện Việt Đức đã lấy đa tạng của một người cho chết não cùng một lúc tiến hành độc lập 3 loại ghép tim, gan, thận cho 4 bệnh nhân.
Theo nhận định của GS Phạm Gia Khánh trong Hội nghị khoa học Ghép tạng Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại bệnh viện Chợ Rẫy mới đây: "Ba năm qua ngành ghép tạng trong nước đã phát triển có tính đột phá, chúng ta đã giải quyết được những vấn đề lấy tạng ở người chết não thực hiện được những kỹ thuật ghép tim mà không thể lấy từ người cho sống; có khả năng lấy đa tạng để cùng lúc tổ chức nhiều ê kíp ghép. Ghép tạng đã trở thành thường quy đưa số lượng ghép hàng năm tăng nhanh, riêng số thận được ghép trong 3 năm qua đã nhiều hơn số thận được ghép trong 18 năm trước".
Việt Nam đã lập Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, trụ sở tại bệnh viện Việt Đức tạo mối gắn kết giữa các trung tâm ghép tạng trong cả nước đồng thời nâng cao hiệu quả lấy tạng từ người cho chết não. Từ những thành tựu trên, GS Phạm Gia Khánh nhận định, ngành ghép tạng của Việt Nam đang đi tắt đón đầu. Dự kiến, đến năm 2015 trong nước sẽ thực hiện được các kỹ thuật khác của ghép tạng như ghép đa tạng (ghép thận đồng thời với ghép tụy, ghép tim đồng thời với ghép phổi) và ghép thận từ người cho chết tim. Thực hiện được các kỹ thuật trên chúng ta sẽ theo kịp với ghép tạng thế giới.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên ngành ghép tạng phải vượt qua nhiều khó khăn. Nhu cầu ghép tạng trong nước là rất lớn nhưng những ảnh hưởng của tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng khiến nguồn tạng được hiến tặng rất hạn chế. Dù chi phí cho ghép tạng ở Việt Nam ở mức thấp nhất so với các nước trên thế giới nhưng vẫn còn cao so với mức thu nhập của người dân, bên cạnh đó bảo hiểm y tế chi trả cho ghép tạng còn quá hạn chế.
Đến nay, ghép tạng là biện pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân giai đoạn cuối và nâng cao chết lượng cuộc sống. Một người bị chết não hiến tạng có thể cứu được sinh mạng của 6,7 người. Để đưa ngành ghép tạng tiến nhanh hơn nữa trong sự nghiệp cứu người, các chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng hãy nâng cao nhận thức và tinh thần nhân văn nhân bản mỗi bộ phận cơ thể của người chết não không còn khả năng phục hồi được cho đi sẽ mang lại sự sống cho nhiều người khác.
Một kết quả khảo sát của ThS.BS Hoàng Thị Diễm Thúy cùng cộng sự về tiềm năng hiến thận trên địa bàn TPHCM được công bố ngày 28/10/2013 cho thấy: Khảo sát 1028 người (độ tuổi trung bình là 28) có tới 77% đồng ý hiến tạng sau chết; 63,8% đồng ý hiến tạng người thân sau chết. Những người không đồng ý hiến tạng rơi vào các nguyên nhân do gia đình, sợ, công bằng xã hội, tâm linh... |
Bình luận của bạn