Năm 1984 khi làm tổng thư ký tòa soạn một tờ báo thời sự ở thành phố HCM, tôi đã biên soạn một cuốn sách nhỏ, thuộc loại cẩm nang cho các nhà báo mới vào nghề. Đó là tập “Nhâp môn nghề làm báo”do Khoa báo chí của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM in roneo, phát cho sinh viên tham khảo. Trong đó có nhấn mạnh kỹ năng: học computer. Tất nhiên, nhiều kiến thức và kỹ năng khác đã được mặc định theo tính chất đặc biệt của nghề làm báo. Còn ngày nay, học “computer” là học sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo hay là A.I. Mặc dù, mới đây nhân có một vài tham khảo về sự tiến bộ của công nghệ ảnh hưởng đến nghề báo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo A.I (artificial intelligence), tôi có đọc lại cuốn hồi ký “40 năm nói láo” của Vũ Bằng, và thấy đau cho sự trào lộng của ông, khi cho rằng cái nghề “nói láo” không cần phải học.
Hiện nay, giới báo chí chúng ta, cũng như phần lớn xã hội, có lẽ đã hình thành trong đầu mình những hình ảnh về người máy và những tương lai đen tối, nơi AI chiến đấu với chúng ta để giành quyền kiểm soát vũ trụ.
Có lẽ vì sợ cái “tương lai đen tối” đó, mà ngày 8/6/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã gặp nhau tại Washington và hai ông đã đồng ý làm việc cùng nhau về sự an toàn AI. Một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về vấn đề này sẽ được tổ chức trong năm 2023, như Thủ tướng Anh Sunak nói với truyền thông: “"Vương quốc Anh mong muốn được tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về an toàn AI vào cuối năm nay, để chúng ta có thể nắm bắt những khả năng phi thường của thời đại công nghệ mới này và tự tin làm điều đó".
Tuy vậy, “khả năng phi thường” đó của A.I vẫn nằm trong một thứ A.I thu hẹp mà chúng ta đang và sẽ sử dụng để cho cuộc sống con người luôn có “khuôn mặt người” hơn. Trí tuệ nhân tạo thu hẹp (khác với trí tuệ tổng hợp trong khoa học viễn tưởng), có thể là một thuật toán, một chương trình tự động hóa, hoặc một phần mềm máy tính, một ứng dụng mới... (Ví dụ: các nhà báo hiện nay đang sử dụng nhiều A.I ChatGPT và Notion.ai vì thích hợp với nghề).
Chuyên gia A.I chuyên về truyền thông là Francesco Marconi, trong tác phẩm mới nhất của ông “Newsmakers: artificial intelligence and future of journalism” (Người tạo tin tức: trí tuệ thông minh và tương lai báo chí” cho rằng “Phát minh mới – A.I - là A.I thu hẹp, chỉ làm con người có thêm lựa chọn, chứ không giết chết hoàn toàn các lựa chọn đã có”.
Marconi cho rằng AI có thể tăng cường - chứ không phải tự động hóa - ngành báo chí, cho phép các nhà báo đưa ra nhiều tin tức nhanh hơn, chính xác hơn, đạt đến độ chín muồi của sự thật.
Ví dụ: Ban biên tập các tờ báo Daily Mirror và Daily Express ở Anh, đang tìm hiểu xem liệu chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT có thể giúp các nhà báo viết những tin ngắn hay không, khi các tổ chức truyền thông xem xét các cách sử dụng A.I. Giám đốc điều hành Reach Jim Mullen nói với Financial Times rằng công ty đã thành lập một nhóm làm việc để kiểm tra cách sử dụng công cụ này để hỗ trợ các phóng viên viết tin thời tiết địa phương và tin giao thông.
“Khó có thể dự đoán được A.I sẽ ảnh hưởng đến báo chí như thế nào. Vài hãng tin đã sử dụng A.I để viết các bài báo về sức khỏe và tài chính cá nhân, nhưng những bài báo này được cho là chứa đầy thông tin không chính xác và sai sự thật”, báo Guardian uy tín của Anh, đã bình luận như thế vào ngày 30/4/2023.
Đồng thời, sự phát triển công nghệ A.I và các công nghệ khác đã hỗ trợ các hình thức báo chí điều tra kỹ thuật số mới và cho phép các nhà báo xử lý lượng dữ liệu (bị rò rỉ) khổng lồ. Hai trong số những ví dụ nổi tiếng và gần đây nhất về thể loại phóng sự điều tra, dựa trên dữ liệu lớn, là: Hồ sơ Panama và Paradise của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), đã công khai tên tuổi các chính trị gia và người nổi tiếng trên thế giới trốn thuế và khai man. Không có công nghệ A.I và máy học, nhóm nhà báo quốc tế gồm 249 phóng viên điều tra, đến từ 90 quốc gia, không thể xử lý, sàng lọc, phân tích 11,5 triệu tài liệu (vụ hồ sơ Panama) và 13,4 triệu tài liệu (vụ hồ sơ Paradise) để, cuối cùng có thể phơi bày sự thật ra trước ánh sáng của lương tri.
Các câu chuyện sẽ không sớm giành được giải thưởng Pulitzer, nhưng chúng truyền đạt những điều cơ bản về thu nhập của công ty ở dạng đơn giản và dễ tiếp thu, đồng thời chúng thực hiện điều đó trên quy mô lớn.
Đây là thời đại của thuật toán tin tức. Tự động hóa và các thuật toán đã đạt đến điểm chín muồi khi chúng có thể thực hiện công việc đưa tin thực sự - đóng góp cho nỗ lực báo chí theo nhiều cách khác nhau. Quá trình tự động hóa giải phóng thời gian quý báu để nhân viên tập trung vào các câu chuyện theo chủ đề, sử dụng số liệu doanh thu làm dữ liệu tin tức để phân tích sâu hơn - nội dung mà các nhà báo thường hào hứng hơn chỉ là “tường thuật” các con số khô khan.
Bất cứ một phát minh mới nào của nhân loại cũng là “con dao hai lưỡi”. Hôm 13/6/2023, Liên Hiệp Quốc đã khuyến nghị lập một cơ quan giám sát sự phát triển của A.I nhằm hạn chế thấp nhất độ nguy hiểm của công nghệ mới này.
Riêng trong ngành báo chí - truyền thông chúng ta, sử dụng A.I như một công cụ để hỗ trợ quá trình đưa tin có thể mang lại lợi ích to lớn cho các nhà báo. Hiện nay, các tòa soạn ngày càng tuyển ít phóng viên hơn và, do đó, các phóng viên còn lại phải đưa tin, viết bài nhiều hơn để bù đắp những khoảng trống đó. Như vậy, A.I có thể là câu trả lời để đáp ứng thời hạn nộp bài cho toà soạn và tạo ra nhiều tin bài chính thống hơn trong bối cảnh công chúng ngày càng nghi ngờ tính xác thực của tin tức.
Bất kỳ bài báo nào được viết bằng A.I đều yêu cầu giám sát và chỉnh sửa nội dung cẩn thận và xem xét kỹ về bản quyền hoặc tính pháp lý. Tóm lại, A.I trong báo chí là con dao hai lưỡi. Công cụ này có thể cải thiện quy trình làm báo nếu được sử dụng đúng cách, nhưng nó cũng là một liều thuốc độc hủy diệt uy tín của nhà báo, vì vậy các tòa soạn cần các biên tập viên kinh nghiệm, hiểu biết A.I, để xử lý mọi vấn đề có thể do A.I gây ra.
Thật sự là trí tuệ nhân tạo gần như không đủ thông minh để thay thế các nhà báo của chúng ta. A.I chỉ thực hiện các nhiệm vụ nhàm chán và lặp đi lặp lại mà nhà báo chúng ta thường không thực sự thích làm. Những việc như ghi ra các cuộc phỏng vấn đã thu âm, sàng lọc hàng trăm tài liệu bị rò rỉ, phân loại bình luận của người đọc, viết các bản cân đối tài chính của công ty, hoặc vẽ các biểu đồ tăng trưởng GDP hàng quý, hàng năm… Không ai vào nghề báo vì thích làm đi làm lại những công việc đó. Khi tôi mới vào nghề, tôi được phân công đọc thư của bạn đọc và lọc ra theo 2 tiêu chí: trả lời được và không trả lời được. Năm 1978. Lúc đó, mơ ước của tôi là làm sao có “cái máy” hỗ trợ công việc một cách vô cùng chán ngán (Tất nhiên thời ấy không có từ “thuật toán” hay “AI”). Hoặc khi phỏng vấn Phó Thủ tướng Úc về cây cầu Mỹ Thuận với những điểm mà bây giờ chúng ta gọi là “rất nhạy cảm”, nên tôi phải thức suốt đêm “rã băng” từ cái máy thu âm nhỏ xíu, với cuộn băng cũ nát, âm thanh không rõ ràng. Ước gì lúc đó tôi có một công cụ kiểu như A.I ChatGPT hay Notion ghi ra dùm tôi và dịch luôn ra tiếng Việt cùng lúc, thì công việc của tôi còn lại trở nên đơn giản biết chừng nào.
Tuần trước (2/6/2023) tôi có đọc một bài báo của Thời báo Kinh tế Sài Gòn - nơi tôi làm việc gần 20 năm - nhan đề: “Kinh tế lạc quan hay bi quan: cảm giác và con số…”. Nếu A.I được áp dụng thì các số liệu và biểu đồ sẽ đầy đủ, thuyết phục hơn. Trong trường hợp này, người viết bài sẽ có nhiều thời gian, để đưa ra các bình luận sâu và tự tin hơn, chứ không quá đơn giản, như bài báo đã nêu.
Hoặc vào ngày 6/6/2023 tại phiên chất vấn của Quốc Hội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cũng như các Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (Bộ Khoa học và Công nghệ), Hồ Đức Phớc (Bộ Tài chính), Lê Minh Hoan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã dẫn chứng nhiều con số rất cụ thể… Nếu Văn phòng Quốc hội (hay VTV) sử dụng tốt hơn A.I thì người theo dõi có thể thấy rõ hơn trên màn hình “tiếng nói” của các con số, khi A.I có thể biểu đồ hóa đồng thời với phát biểu về các dữ liệu mà Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng đã nêu.
Trước hết A.I là tiền. Đầu tư vào A.I là triệu, tỷ đô la. Tôi đang xem cuốn phim “Nhà báo” của Nhật Bản, trong đó vai chính là một nữ phóng viên điều tra gan dạ, và động lực là từ một vụ tham nhũng liên quan nguồn tài trợ 10 tỷ yên của Chính phủ vào một dự án A.I không có thật… Thủ phạm cũng dính tới nghi án sửa đổi dữ liệu tài chính trong một vụ bán đất công của Chính phủ. Tôi nêu ra ví dụ này chỉ để thấy rằng A.I, trước hết là tiền, vì cuối cùng A.I cũng do con người tạo ra, sử dụng nó và lợi dụng nó mà thôi.
Tất nhiên các tòa soạn chúng ta không thể có tiền đầu tư vào công nghệ lớn. Chúng ta chỉ là người dùng cuối (end-user).
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi còn làm việc tại báo Tuổi Trẻ, một tòa soạn khát khao cải tiến công nghệ vi tính cho tờ báo. Một hệ thống máy Arari từ Đức được nhập về bằng tiền phát hành của tờ báo. Tuy vậy, Ban biên tập yêu cầu phóng viên học cả phần lập trình với một chuyên gia. Thú thật, tôi không học được “chữ” nào.
Sau này, tôi vẫn sử dụng máy tính và các chương trình công nghệ cần thiết cho nghề nghiệp, mà không cần phải học lập trình. Giáo sư báo chí A.I Matta Peretti, tại Đại học London, cho rằng câu hỏi của việc áp dụng công nghệ A.I tại các tổ chức truyền thông là mua hay tự xây dựng công nghệ A.I?
Theo giáo sư Mattia Peretti, hai hãng thông tấn quốc tế đi đầu trong đổi mới A.I đã thực hiện các cách tiếp cận khác nhau: Reuters (Anh) tự xây dựng hầu hết các công cụ A.I của mình, trong khi AP (Mỹ) mua các công cụ bằng cách làm việc với các công ty khởi nghiệp và nhà cung cấp trên thị trường mở.
Giáo sư Mattia Peretti đưa ra lời khuyên cho các tòa báo: “Tin tốt là bạn không đơn độc. Nếu bạn quyết định xây dựng, có khả năng là đã có những người khác trong ngành đã đi qua con đường đó và bạn có thể học hỏi. Và nếu bạn quyết định mua các công cụ hiện có, thì có rất nhiều công cụ hiện có và không phải tất cả chúng đều đắt như bạn nghĩ”.
Có một lộ trình thứ ba, đó là hợp tác. Tại Việt Nam chúng ta, trong nhiều năm qua, nhiều đơn vị báo chí đã có hợp tác với các công ty công nghệ, ví dụ như chinhphu.vn cùng với VNG. So với báo in, thì truyền hình và truyền thanh có nhiều “dư địa” sử dụng A.I hơn nhiều. Hiện nay truyền hình quốc gia đã ứng dụng A.I khi phát triển VTVGo mà độ lan tỏa rất nhanh và rộng khắp.
Thật ra, xét về mặt công nghệ - báo chí là một ngành nhỏ so với nhiều ngành khác tiên tiến hơn trong việc sử dụng A.I. Và các tòa soạn hay các cơ quan báo chí khác cũng không có nhiều tiền để trả lương cho các nhà khoa học A.I và kỹ sư thuật toán.Tuy nhiên, báo chí có những thứ mà không phải ngành nào cũng có được. Báo chí là một ngành công nghiệp định hướng sứ mệnh, nơi công việc được thực hiện không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì sự cải thiện của xã hội. Ngày 13/6/2023, tại cuộc gặp với các nhà báo, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh sứ mệnh phục vụ nhân dân của người làm báo. Ông cũng cam kết chính phủ sẽ làm hết sức để hỗ trợ các nhà báo Việt Nam thật sự “chuyên nghiệp và hiện đại”. Hy vọng A.I bao gồm trong các nguồn lực cụ thể mà chính phủ sẽ hỗ trợ ngành báo chí.
Bình luận của bạn