Đồng loạt tăng viện phí
Dù thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế -Tài chính (gọi tắt là Thông tư 04) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2012, nhưng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện điều chỉnh giá theo lộ trình, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Chỉ đạo của Bộ Y tế nhấn mạ việc không thực hiện điều chỉnh đồng loạt mà có phân chia tiến độ điều chỉnh. Tuy nhiên chỉ trong tháng 7 vừa qua đã có 29 tỉnh thành đã và dự kiến sẽ đồng loạt điều chỉnh viện phí.
Cụ thể, Bình Định đề nghị điều
chỉnh giá viện phí của hơn 800 dịch vụ từ 60% lên 75-80% khung giá viện phí.
TP. HCM cũng đã tiến hành điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ đầu tháng 6 sau hơn 2 năm "do dự". Một số địa phương khác như Hòa Bình, Điện Biên, Ninh Thuận, Đồng Tháp, An
Giang, Hậu Giang… chỉ đề xuất điều chỉnh một số giá dịch vụ nhưng vẫn thấp hơn
mức giá tại khung giá tối đa. Hà Nội thậm chí đang đề xuất sử dụng hết khung giá cho phép đối với các dịch vụ y tế tại các bệnh viện tuyến đầu.
Tăng viện phí ảnh hưởng đến CPI?
Tăng viện phí sẽ ảnh hưởng đến giá tiêu dùng. Đó là nhận định của Ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).Tăng giá dịch vụ y tế hiện đang là yếu tố gây ảnh hưởng rất mạnh đến mức giá chung. Theo lộ trình, giá viện phí sẽ tăng khoảng 20% trong năm 2014 và sẽ làm tăng khoảng trên 0,7% CPI chung toàn nền kinh tế.
Bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê nhận định lạm phát năm nay tăng khá chậm nhưng ở góc độ nào đó chưa ổn định bởi còn nhiều mặt hàng phải điều chỉnh theo lộ trình. “Vẫn còn nhiều mặt hàng như dịch vụ y tế, giáo dục do Nhà nước quản lý vẫn tiếp tục được các tỉnh, thành phố điều chỉnh theo kế hoạch để đến năm 2018 có giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường... Đó là một trong những nguyên nhân nhìn thấy trước luôn đẩy giá tăng đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành”, bà Dương nhận định.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, các nhóm hàng đang được Nhà nước quản lý là những nhân tố chính tác động lên CPI cho thấy việc điều hành phải hết sức thận trọng. “Thời gian tới việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ được đề cập trong báo cáo của Chính phủ như xăng dầu, điện, dịch vụ công về giáo dục, y tế… là cần thiết và đúng hướng, nhưng phải thận trọng về liều lượng.
Tăng viện phí người dân ảnh hưởng.
Đối với các bệnh viện, hầu hết quan điểm cho rằng tăng viện phí lần này là phù hợp để tránh việc ngân sách phải bù cho các bệnh viện quá lớn. Nhưng đối với người dân, việc tăng viện phí là một “cú sốc” không nhỏ, nhất là với người nghèo và người không có BHYT. Khi tăng viện phí, người dân sẽ phải chịu phần đồng chi trả cao hơn. Viện phí tăng phải dựa trên mức sống và thu nhập và đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Tăng viện phí, người dân bị ảnh hưởng nhiều nhấtViệc tăng viện phí sẽ kéo theo thuốc men, dịch vụ, sinh hoạt ăn uống ở bệnh viện cũng tăng theo. Đó sẽ là gánh nặng rất lớn đối với người bệnh, nhất là người nghèo, nông dân, người làm công ăn lương. Theo ông Lê Văn Phúc - Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm y tế - BHXH VN, rất nhiều sở đề xuất những dịch vụ chưa thực hiện được hoặc đội giá lên cao mặc dù trang thiết bị và trình độ chưa tương xứng. Các tỉnh lý luận rất “lạ lùng”: “Cứ duyệt rồi chúng tôi sẽ đầu tư, sẽ nâng cấp”.
Thực tế cho thấy, việc tăng giá các dịch vụ y tế tại nhiều địa phương thời gian qua chưa song hành cùng việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như mục tiêu ban đầu đặt ra của các cơ quan chức năng. Ông cha ta vẫn nói: "Tiền nào, của ấy". Hy vọng, nếu giá dịch vụ y tế có tăng thì chất lượng y tế cũng sẽ tăng theo thay vì gần như "dậm chân tại chỗ" như thời gian vừa qua.
Bình luận của bạn