Bác sĩ nhận phong bì sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng

Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực với nhiều điểm mới, với nhiều mức phạt được nâng lên đáng kể so với mức hiện hành. Trong đó “hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh” sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.


Hành vi hối lộ sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng

Cơ sở khám chữa bệnh sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng nếu cố ý không chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám chữa bệnh phù hợp khi bệnh vượt quá chuyên môn của cấp cơ sở. Khi thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa mà không được sự đồng ý của người bệnh hoặc đại diện của người bệnh thì hành vi đó áp dụng phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng.
Cũng theo nghị định này, bác sĩ bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức (trừ người khám chữa bệnh bằng phương thức y học cổ truyền) sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.
Nhân viên y tế chỉ định hoặc môi giới, gợi ý người bệnh tới các cơ sở khám chữa bệnh khác vì mục đích cá nhân cũng bị phạt từ 5- 10 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi mua bán, môi giới, cung cấp các bộ phận cơ thể người sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng.
Trong lĩnh vực vi phạm hành chính về dân số, các nhân viên y tế cố tình phá thai cho bệnh nhân khi biết người mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.
Nghị định này quy định xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; khám bệnh, chữa bệnh; dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; bảo hiểm y tế; dân số. Mức phạt tối đa cao nhất với cá nhân là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng với tổ chức.
Cũng từ ngày 31.12.2013, nghị định 178/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được thi hành. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức thay vì 15 triệu đồng như trước đây.
Trong buổi tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu từ giám đốc đến trưởng, phó khoa và nhân viên các cơ sở y tế phải ký cam kết “nói không với phong bì” trước và trong điều trị. Cũng theo Bộ trưởng Tiến, ngành y cấm cán bộ y tế nhận phong bì, quà cáp trước và trong quá trình điều trị nhưng không cấm bác sĩ nhận quà sau điều trị, vì đó là tấm lòng của người bệnh nhân muốn "cảm ơn" tới bác sĩ.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn