Nhiều bậc phụ huynh rất tin tưởng vào thông tin trên Internet rồi tự ý chữa trị cho con
Nguy hại khi tự ý dùng thuốc bổ thận
Tự ý sử dụng thực phẩm chức năng cho con: Nên hay không?
Trẻ bị sốt cao có nên tự ý dùng thuốc chống co giật?
Mang họa vì tự ý truyền dịch, uống thuốc bổ
Tự ý tiếp nhận viện trợ, BV Mắt TP.HCM bị phê bình
Rước họa vào thân
Theo Chuyên viên Tâm lý Trương Quốc Cường - Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, Internet vốn không còn gì xa lạ với người dân, trên mạng họ có thể dễ dàng tự tìm kiếm thông tin về sức khỏe. Tuy nhiên, thay vì để có thêm kiến thức về sức khỏe thì khi có bệnh, người dân lại tự ý chữa trị theo hướng dẫn của "bác sỹ Google".
“Bệnh viện đã rất nhiều lần gặp những trường hợp trẻ 1 - 2 tuổi, đang tuổi hiếu động, thích chạy nhảy, cha mẹ lên Internet tra cứu thông tin và cứ nghĩ con mình bị tăng động. Thế rồi cha đổ lỗi cho mẹ, mẹ đổ lỗi cho cha, gia đình “nháo nhào” chỉ vì họ quá tin vào Internet, trong khi con họ rất bình thường”, chuyên viên Quốc Cường nói.
Tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, mới đây một bệnh nhi 7 tháng tuổi đã nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do hen dị ứng sau khi được mẹ và “bác sỹ mạng” điều trị gần 1 tuần. Theo mẹ cháu bé, thấy con húng hắng ho, chị lên Google tra các triệu chứng, kể bệnh trên diễn đàn rồi cho con uống và xông thuốc theo kinh nghiệm của những bà mẹ khác. Sau một lần cho con uống thuốc theo hướng dẫn, bất ngờ bé lên cơn ho dữ dội, người tím tái, khó thở… Lúc này, cả nhà mới cuống cuồng đưa bé vào bệnh viện.
BS. Hoàng Bùi Hải - Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận định: “Ngày nay, phòng khám của “bác sỹ Google” là nơi quen thuộc của nhiều người. Tuy nhiên, vì quá tin vị bác sỹ này mà không ít bệnh nhân suýt chết”.
Khi có nghi ngờ về sức khỏe người dân nên đến bệnh viện để được các bác sỹ khám và tư vấn
Có nhiều người còn quá tin tưởng vào những gì được viết trên Internet nên tự áp dụng các phương pháp điều trị cho mình, cho con. Chẳng hạn trường hợp của chị T.N. (Bình Chánh, TP.HCM) có con dưới 1 tuổi bị ho ròng rã gần một tháng. Chị cũng đưa con đi khám bệnh tại một bệnh viện chuyên khoa nhi nhưng khi về lại... nghi ngờ đơn thuốc của bác sỹ. Vợ chồng chị lên mạng tra cứu công dụng, cách dùng, chỉ định các loại thuốc mà bác sỹ cho rồi tá hỏa vì “thuốc này chỉ dùng cho trẻ trên 6 tuổi, sao con mình mới 1 tuổi bác sỹ đã cho thuốc này?”. Thế nên chị bỏ đơn thuốc và tự ý dùng thuốc theo đơn mà người khác chia sẻ trên internet. Kết quả, đến khi bé bị viêm phổi phải nhập viện cấp cứu, chị T.N. mới nhận ra sai lầm của mình.
Không chỉ trẻ em, nhiều bà mẹ mang thai cũng rất tin tưởng bác sỹ Google, ThS.BS Mai Trọng Hưng – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ: "Đã có rất nhiều sản phụ ngôi thai ngược làm theo chỉ dẫn trên các diễn đàn là cứ đi bộ nhiều, cứ bò, chổng mông... ngôi ắt sẽ xuôi". Bác sỹ cho biết tất cả những điều đó không thể giúp bình chỉnh thai về bình thường. Bởi nguyên nhân ngôi ngược cản trở đường quay của thai có thể do dị tật ở tử cung, 1 phần dây nhau quấn cổ... hoặc bị viêm đa ối. “Trên mạng có người chia sẻ kinh nghiệm là uống râu ngô, bông mã đề. Điều này cũng không hề hiệu quả”, ThS.BS Trọng Hưng nhấn mạnh.
Cần có sự chọn lọc thông tin
BS. Thái Thanh Thúy – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, phụ huynh chỉ dựa trên một vài triệu chứng đã chẩn đoán bệnh thay bác sỹ và tự điều trị cho con có thể sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí nghiêm trọng. Kiến thức trên Google chỉ để tham khảo, nếu có thắc mắc phụ huynh nên đưa con đi khám để bác sỹ chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp.
Người dân cần có sự chọn lọc thông tin trên mạng, đặc biệt là thông tin về sức khỏe
Đồng quan điểm, ThS.BS Trọng Hưng nói, khi có bệnh thì có thể đọc và tham khảo thông tin trên mạng để biết bệnh đó như thế nào, có khả năng mình bị bệnh đó hay không, đi khám ở đâu, bệnh viện nào, chứ không được chỉ dựa vào suy đoán chủ quan của bản thân mà tự ý chữa trị.
BS. Trần Văn Học – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: “Nên tìm hiểu các trang mạng chính thống, được kiểm soát thông tin về sức khỏe nhưng cũng chỉ coi đó là nguồn tham khảo chứ không phải chỉ dẫn uống thuốc này, chữa bệnh kia. Cùng một bệnh ở mỗi cơ thể sẽ khác nhau, người mẫn cảm với thuốc nào đó thì phải dùng thuốc khác, ở giai đoạn bệnh nặng – nhẹ, ở bộ phận đầu – cuối thì liều lượng khác nhau... Hơn nữa, nhiều trang web đưa các thông tin không khách quan, vì lợi ích kinh tế nào đó…”.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích mà Google và Internet mang lại. Mạng là nơi cung cấp thông tin đa dạng, nhiều chiều và khách quan. Vấn đề là người dùng Internet, tra cứu thông tin phải biết chọn lọc và định hướng những thông tin có thể tin tưởng được, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe.
BS. Học nhắc đến châm ngôn trong ngành y “Chữa người bệnh chứ không phải chữa ca bệnh”. Cùng một bệnh nhưng không có công thức chung, mà phải căn cứ vào từng trường hợp. Và nói cho cùng “sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. Vậy hãy để những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản chăm sóc cho vốn quý đó!
Bình luận của bạn