Bài học dập dịch Ebola của Nigeria

Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan tuyên bố xóa bỏ dịch Ebola

"Giải mã" sự sống sót của bệnh nhân Ebola ở phương Tây

Nigeria tuyên bố thoát khỏi dịch Ebola

Việt Nam chủ động phòng dịch Ebola

Y tá Tây Ban Nha nhiễm Ebola đã khỏi bệnh

Theo hãng tin ABC News, bác sỹ Erin Hohlfelder, giám đốc chính sách y tế của tổ chức One Campaign cho biết, ngay sau khi xác định ông Sawyer nhiễm virus Ebola, nhà chức trách Nigeria đã hành động cực nhanh.

Chiến dịch thần tốc

“Từ phút đầu tiên chính quyền Nigeria đã thành lập một trung tâm chiến dịch khẩn cấp để điều phối các hoạt động chống Ebola với trách nhiệm và nghĩa vụ rõ ràng”,  bác sỹ Hohlfelder kể lại.

Chuyên gia John Vertefeuille thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) đánh giá chính quyền Nigeria đã tìm kiếm và cách ly rất hiệu quả những người tiếp xúc với bệnh nhân Ebola. Nhà chức trách lập một hệ thống quản lý để tìm kiếm và giám sát từng bệnh nhân tiềm tàng.

Hoạt động phòng chống dịch Ebola của Nigeria được diễn ra nghiêm ngặt

Hàng trăm nhân viên chính phủ được giao nhiệm vụ tìm kiếm người tiếp xúc với bệnh nhân Ebola. Hệ thống định vị GPS từng được sử dụng chống dịch bại liệt được triển khai. WHO mô tả hệ thống tìm kiếm của Nigeria là “công cụ thám tử dịch tễ học đẳng cấp thế giới”.

Họ phát hiện gần 900 người có khả năng nhiễm virus Ebola và theo dõi rất chặt chẽ. Những người xuất hiện triệu chứng sốt đều được cách ly nghiêm ngặt. Các nhân viên đã tiếp xúc với những người có khả năng nhiễm bệnh tới 18.500 lần để kiểm tra sức khỏe của họ.

Không giống các nước Tây Phi, Nigeria có một hệ thống y tế khá phát triển. Đặc biệt đội ngũ nhân viên y tế của nước này từng có kinh nghiệm với chiến dịch chống dịch bại liệt. Nigeria có một phòng thí nghiệm chất lượng cao tại ĐH Lagos với khả năng xét nghiệm bệnh và cho kết quả trong 24 giờ.

Đoàn kết toàn dân

Trên truyền hình và mạng xã hội, nhiều người nổi tiếng ở Nigeria tham gia chiến dịch chống Ebola bằng cách trấn an người dân và kêu gọi họ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Hệ thống y tế của Nigeria khá phát triển

Hơn nữa, chính phủ Nigeria tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế như One, Save the Children, Bác sỹ không biên giới (MSF)… Các tổ chức này đều có đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm trong việc đối phó với bệnh truyền nhiễm.

Tất nhiên cũng có một số sai sót xảy ra. Một người nhiễm Ebola do quá sợ hãi đã lẩn trốn trong vài ngày trước khi được nhà chức trách tìm thấy. Ông ta phục hồi sức khỏe nhưng một bác sỹ chữa trị cho ông đã qua đời.

Một vụ việc đáng tiếc nữa là trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn uống nhiều nước muối sẽ chống được bệnh Ebola. Tin đồn này lan cực nhanh trong vài ngày. Hai người thiệt mạng và 20 người phải nhập viện vì làm như vậy.

Để dập sự hoang mang, sợ hãi, chính quyền Nigeria đã đề nghị các chính trị gia, giáo viên, lãnh đạo tôn giáo.. cung cấp thông tin chính xác cho người dân. Các thông tin cần thiết liên tục được cập nhật trên truyền hình, radio, tin nhắn điện thoại…

Cuối cùng, ở Nigeria chỉ có 20 trường hợp nhiễm bệnh và tám người thiệt mạng. Chuyên gia John Vertefeuille của CDC nhận định phương pháp chống dịch của Nigeria là bài học quý giá cho Mỹ và cả thế giới. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cộng đồng quốc tế cần nghiên cứu kỹ trường hợp của Nigeria để học hỏi. 

Theo Reuters, hôm qua Tổng thống Ghana John Mahama thông báo các nước Tây Phi đã bắt đầu nhận được các loại hàng hóa cứu trợ cần thiết để chống dịch Ebola. Trước đó giới chuyên gia chỉ trích dữ dội việc cộng đồng quốc tế hỗ trợ quá ít ỏi cho Guinea, Sierra Leone và Liberia, dẫn tới việc dịch Ebola trở nên tồi tệ hơn.

 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn