Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 64 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.485 người ngộ độc, trong đó có 15 người đã tử vong.
80% hàng quán vỉa hè nhiễm Ecoli
Không khó để nhìn thấy những hình ảnh người bán dùng tay trần để pha nước, bóc trái cây rồi cầm tiền, trả tiền thừa cho khách. Thậm chí đến cả ly nhựa, muỗng và ống hút cũng được tận dụng để dùng nhiều lần. Đây chính là nguồn lây lan bệnh nhanh chóng, nhất là những bệnh về đường tiêu hóa, cảm cúm, tay chân miệng…Thùy Uyên (Đại học KHXH&NV Hà Nội) cho biết:
"Mình và nhóm bạn rất thích ngồi trà chanh vì tha hồ "tám" mà giá nước cũng rẻ. Nhưng 1 lần vô tình đi lấy xe, thấy người bán hàng gom ly nhựa và ống hút cũ mang vào và đổ café, nước uống vào bán tiếp cho khách mà không hề tráng ly hay thay ống hút. Mình sợ quá nên từ đó về sau chỉ uống nước đóng chai cho chắc"
(ảnh : Dân Việt)
|
Hầu hết các "thượng khách" khi chứng kiến người bán hàng mất vệ sinh như vậy đều không góp ý thẳng. Người nào thấy ghê thì lần sau không ăn, uống ở đó nữa, còn những người dễ tính, xuề xòa thì không để tâm.
(ảnh : Dân Việt) |
Ở nhiều quán nước khác, người bán tỏ ra có ý thức hơn khi đeo găng tay khi gọt trái cây hay pha chế nước cho khách. Thế nhưng, chị T.Nguyên (Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) vẫn bức xúc: "Nhiều người đeo găng chỉ để "làm vì", bởi bàn tay đeo găng đó không chỉ dùng để lấy nước, bốc trái cây cho vào máy xay mà còn dùng để cầm tiền, cầm nắm những đồ vật khác. Như vậy, chẳng qua người bán hàng đeo găng tay để tay mình sạch, còn đồ ăn, thức uống cho khách có bị nhiễm khuẩn như thế nào cũng không quan tâm"
(ảnh : Dân Việt) |
Một nghiên cứu của Bộ Y tế về tình trạng vệ sinh bàn tay của những người chế biến thực phẩm đường phố gần đây cho biết tỉ lệ bàn tay nhiễm vi khuẩn E.coli và các vi khuẩn đường ruột khác, trong đó có khuẩn tả lên tới 70 - 80%.
Người dùng nếu ăn thực phẩm được chế biến từ những bàn tay bẩn như vậy sẽ phải chịu nhiều nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, nhẹ thì buồn nôn, đau bụng; nặng thì phải vào viện cấp cứu; thậm chí những trường hợp ăn phải chất kịch độc có thể nguy hiểm đến tính mạng, hoặc chịu ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Nếu ai có sức đề kháng kém, nhất là trẻ em, người mắc bệnh mãn tính, sẽ dễ có biểu hiện ngộ độc hơn những người khác.
Đặc biệt, với thơi tiết nắng nóng của mùa hè như thế này, thức ăn dễ ôi thiu còn nước uống dễ bị lên men, bốc mùi. Trong khi đó, ở các hàng thức ăn đường phố, thực phẩm hầu như không được bảo quản gì mà cứ "thiên nhiên" để từ sáng đến trưa, thậm chí đến chiều rồi bán cho thực khách. Dễ nhìn thấy nhất là những xe bán nước trước cổng trường, nhất là nước mía, người bán dùng tay cầm mía ép nước, lấy đá, lấy tiền, lau mặt bàn cũng bằng bàn tay đó. Chính vì vậy, thức ăn và nước uống đường phố chứa đựng nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn. Trong tháng 6, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 21 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 375 người ngộ độc, trong đó có 329 người phải nhập viện.
Báo động đỏ ung thư đường tiêu hóa
Theo thống kê của Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu, riêng với bệnh ung thư gan thì trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 20.000 bệnh nhân mắc mới và khoảng 18.000-19.000 người tử vong vì căn bệnh này. Trong các loại ung thư liên quan đến tiêu hóa, đứng sau ung thư gan về mức độ phổ biến là ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và ung thư thực quản.
Mỗi năm Việt Nam có từ 11.000-12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong. Với ung thư đại trực tràng và ung thư thực quản, con số mắc tương tự ung thư dạ dày nhưng số tử vong ở mức 6.000 người.
Đây là một con số đáng báo động về nguy cơ mắc bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa của Việt Nam.
Theo PGS.TS Phạm Duy Hiển, nguyên Phó giám đốc bệnh viện K, thì các chuyên gia khó có thể khẳng định một cách chính xác các yếu tố cụ thể để gây bệnh ung thư trên một người bệnh, nhưng có một điều chắc chắn rằng khi đưa những thực phẩm không đảm bảo (về vệ sinh cũng như cách chế biến gây độc hại) vào cơ thể thì các chất (vốn không có khả năng gây ung thư) sẽ biến đổi (do yếu tố nội sinh) thành những chất có khả năng gây ung thư cao.
Ông Hiển nhận định: Với tốc độ công nghiệp hóa và tình trạng an toàn thực phẩm, kiến thức và hành vi an toàn thực phẩm hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là các loại đồ ăn thức uống bán vỉa hè không có quản lý và thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm thì trong vài năm tới, ung thư sẽ vượt qua tim mạch để "vươn lên" dẫn đầu danh sách những bệnh phổ biến.
Bình luận của bạn