“Nhập khẩu” sốt rét
Vào tháng 7 vừa qua, bệnh nhân N.V.N (ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đi lao động ở Angola về được 2 tuần thì có biểu hiện sốt. Gia đình đưa ông vào bệnh viện huyện và được các bác sĩ ở đây điều trị theo hướng viêm phổi.
Nhưng sau 2 tuần không đỡ, ông lại bắt đầu có những triệu chứng điển hình của bệnh sốt rét như sốt theo chu kỳ, mỗi lần trong 2-3 giờ đồng hồ, người bệnh xuất hiện những cơn rét run, chuyển sang sốt nóng, vã mồ hôi và giảm nhiệt độ cơ thể. BV Ứng Hòa chuyển ông N. lên BV Bạch Mai, nhưng khi đó người bệnh đã bị suy đa phủ tạng và không cứu được.
Trước đó, vào tháng 5, BV Bạch Mai cũng đã tiếp nhận bệnh nhân Trần Quốc Thái (58 tuổi, ở xã Trường Thi, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) làm việc ở Angola đã 10 năm.
Sau khi về nước được 4 ngày, ông Thái bắt đầu sốt ho, khó thở. Sau 36 ngày liên tục điều trị tích cực bằng thở máy 19 ngày, truyền máu, truyền khối tiểu cầu, thở ôxy và cuối cùng là tiêm thuốc chống sốt rét Quinin, ông Thái mới khỏi bệnh và được ra viện.
TS.Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng TƯ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phòng chống Sốt rét Quốc gia cho biết trong khoảng 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9/2013) đã ghi nhận khoảng 100 bệnh nhân sốt rét nhập viện tại một số tỉnh miền Bắc có đông người đi xuất khẩu lao động ở Châu Phi như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và kể cả Hà Nội.
Điều đáng lo ngại là Hà Nội nhiều năm nay không có bệnh nhân sốt rét nên việc chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét ở nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế tuyến dưới, không dễ dàng.
Một điểm đáng chú ý ở bệnh nhân sốt rét trong nhóm đi lao động ở Châu Phi về nước là đã có trường hợp bệnh không đáp ứng thuốc điều trị thế hệ mới hiện đang sử dụng phổ biến tại Việt Nam.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Theo số liệu của Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng trung ương, 6 tháng đầu năm 2013 cả nước có gần 17.000 bệnh nhân sốt rét, giảm 15% so với cùng kỳ 2012. Tuy nhiên, lại đang có những nguy cơ mới nổi lên xung quanh việc phòng, chống sốt rét.
Đó là nguy cơ từ nhóm lao động tự do, di dân, làm các nghề nghiệp như khai mỏ, khai thác cao su, công nhân lâm nghiệp, đặc biệt mới đây xuất hiện nguy cơ phát bệnh sốt rét từ người đi làm việc tại Châu Phi về nước.
Lý do là bởi khi đi làm việc ở Châu Phi, những người lao động này thường không có ý thức mình có thể bị sốt rét nên cũng không áp dụng các biện pháp phòng, chống (như nằm ngủ màn), khi về nhà bị sốt, đi bệnh viện, nhiều nơi cũng không nghĩ đến khả năng bị sốt rét. Thế nên, cũng đã có trường hợp đáng tiếc như vậy. 3 ca tử vong trong năm 2013 đều rơi vào tình huống này.
Với nguy cơ từ người đi làm việc ở Châu Phi về nước, ông Dương khuyến cáo thời gian ủ bệnh sốt rét từ 2 tuần đến hàng tháng. Trong thời gian kể trên, nếu thấy có hiện tượng lạ như ốm, sốt có kèm theo rét run…, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế, đặc biệt là các trung tâm phòng, chống sốt rét chuyên khoa để được điều trị
Ông Dương cũng cho biết do gần đây các địa phương vùng đồng bằng hoặc khu vực đông dân cư đô thị ít gặp bệnh sốt rét, nên người bệnh có dấu hiệu chủ quan, cho rằng mình chỉ cảm sốt thông thường, để ở nhà tự điều trị.
Tuy nhiên, từ nhóm bệnh nhân sốt rét nặng đã đến bệnh viện điều trị cho thấy nguy cơ của căn bệnh này là khá nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ tử vong với những trường hợp bệnh nặng, không được điều trị kịp thời.
Bình luận của bạn