Bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý hiện đang được lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn huyện Duy Tiên, Hà Nam là một trong 37 bảo vật quốc gia đã được Thủ tướng chính phủ công nhận cuối năm ngoái. Lễ công bố quyết định bảo vật quốc gia với tấm bia này diễn ra vào sáng nay 18-4 lẽ ra phải là một ngày hội với những người yêu văn hoá lịch sử thì ngược lại.
Sững sờ và đau lòng là những gì họ có thể thốt lên khi chứng kiến sự nhiệt tình có thừa nhưng lại thiếu hiểu biết của những người được giao “làm sạch” tấm bia cổ này để phục vụ cho lễ công bố. Nền đất cũ xung quanh đã được lát gạch, hàng rào bảo vệ tấm bia bị bỏ đi…
“Báu vật quốc gia đã bị phá hoại nghiêm trọng với một phương thức khá tàn bạo. Theo lời kể của người dân địa phương, một tốp thợ xây, dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt... kì cọ mặt bia. Mục đích của họ đơn giản là chỉ định làm vệ sinh bia cho bà con chiêm ngưỡng trong dịp trọng đại này” - TS Trần Trọng Dương thở dài, chưa hết bức xúc: “Quả là ngu dốt cộng nhiệt tình bằng phá hoại. Những người làm văn hóa mà lại không có văn hóa!”
Những nét rêu phong cổ kính ngàn năm chỉ trong chốc lát bị xoá sạch, để lại những vết thương tích nặng nề trên cổ vật quốc gia. Trán bia Long Đọi là nơi lưu giữ lối chữ phi bạch do chính Hoàng đế Lý Nhân Tông ngự bút, trải qua gần ngàn năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” thì nay bị cào trầy xước phũ phàng.
Người yêu văn hoá chỉ còn biết than thở vì đâu còn như lời Thượng thư Nguyễn Công Bật ca ngợi thư pháp của Hoàng đế Lý Nhân Tông rằng: "Thế tựa rồng bay phượng múa, phép viết từ tay ngọc viết ra/Hình như loan liệng thước chao, thể chữ tự lòng vua chữ hiện".
Trước đây, xung quanh bia Sùng Thiện Diên Linh có hàng rào bảo vệ để ngăn chặn việc du khách xâm phạm làm hỏng văn bia. Nhưng “mới đây người ta đã bỏ đi để cho nhân dân chiêm bái bảo vật”, trụ trì chùa đại đức Thích Thanh Vũ Thầy Vũ buồn rầu cho biết sau những nỗ lực can ngăn không thành. Và như một điều tất yếu, những con chữ mới ngoệch ngoạc đã được ai đó vô ý thức khắc lên tấm bia.
Không chỉ bảo vật quốc gia bị xâm hại, các văn bia đời sau ở xung quanh cũng chịu chung số phận, được đơn vị thi công “nhiệt tình” cào nhẵn. Thật đáng tiếc và đau xót, chỉ vì sự thiếu hiểu biết mà trong phút chốc báu vật quốc gia đã bị ngang nhiên xâm hại nghiêm trọng chưa từng thấy kể từ gần ngàn năm tồn tại đến nay.
Cận cảnh tấm bia Sùng Thiện Diên Linh bị "phá hoại" sau khi "làm sạch" để đón nhận công bố quyết định bảo vật quốc gia :
Tấm bia Sùng Thiện Diên Linh được dựng năm 1121, cao 2,88 m, rộng 1,40 m, chạm khắc tinh xảo hình rồng và mây nước, cùng áng “thiên cổ diễm văn” nổi tiếng có thể khiến bất cứ người am tường văn hoá lịch sử đất nước khi chiêm ngưỡng không khỏi choáng ngợp. Văn bia do Nguyễn Công Bật, Thượng thư Bộ Hình dưới triều Lý Nhân
Tông(1072- 1128) soạn. Nội dung văn bia chủ yếu ca ngợi vua Lý Nhân Tông
trong công cuộc xây dựng chùa tháp, hoằng dương Phật giáo cũng như việc
xây dựng và bảo vệ xã tắc. Ngoài ra văn bia còn ghi lại nhiều tư liệu
lịch sử quý về nghệ thuật điêu khắc kiến trúc xây dựng các chùa lớn,
tháp cao như chùa Diên Hựu (Một Cột), đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp
Sùng thiện Diên Linh.s |
Bình luận của bạn