Bệnh hiểm do nhiễm trùng lông

Ruột bị nhiễm khuẩn trùng lông sẽ gây bệnh

Trùng lông Balantidium coli sống chủ yếu ở manh tràng và ở đoạn cuối của hồi tràng. Thức ăn của chúng là vi khuẩn, tinh bột chưa tiêu hóa hết và ăn cả cá thể đồng loại. Chúng hình thành thể kén ở điều kiện bất lợi như gặp phân rắn, độ pH thay đổi... kén sẽ theo phân ra ngoài, từ môi trường kén xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, di chuyển đến manh tràng và biến thành thể hoạt động. Trùng lông sống hội sinh, chúng chỉ tấn công vào thành ruột để gây bệnh khi niêm mạc ruột bị tổn thương do nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn, thương hàn, lỵ trực khuẩn... Người bị nhiễm Balantidium coli cấp tính hoặc mạn tính và người lành mang trùng là nguồn gây bệnh.

Bệnh hiểm do nhiễm trùng lông 1
Chu trình lây nhiễm trùng lông.

Biểu hiện nhiễm trùng lông

Với đặc điểm của trùng lông Balantidium coli là có lối sống hội sinh, vì vậy nhiều trường hợp xét nghiệm phân người trong bệnh khác đã tình cờ phát hiện thấy thể kén của trùng lông, nhưng trên lâm sàng người đó không có biểu hiện triệu chứng bệnh lý gì. Khi trùng lông Balantidium coli chuyển sang dạng sống ký sinh, chúng sẽ gây hoại tử mô ở thành manh tràng. Tại chỗ tổn thương của ruột, Balantidium coli tiếp tục sinh sản, phá hủy mô thành ruột làm cho các thương tổn vết loét ngày càng rộng, càng sâu. Nhiều nghiên cứu cho biết, sự phá hủy thành ruột của trùng lông Balantidium coli mạnh hơn khi có thêm tác động của yếu tố cơ học, do đó trùng lông có thể xâm nhập sâu vào thành ruột và gây thủng ruột. Tổn thương thủng ruột chủ yếu chỉ xảy ra ở đại tràng.

Các dấu hiệu lâm sàng do loại trùng lông Balantidium coli gây ra ở những bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng là: đau bụng, đi tiêu chảy có thể đến 15 lần mỗi ngày; mót rặn, phân có chất nhầy, máu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị tử vong. Một vài nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong do bệnh trùng lông Balantidium coli gây ra có thể chiếm đến 29% các trường hợp bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị. Nguyên nhân bệnh nhân bị tử vong chủ yếu do biến chứng thủng ruột, xuất huyết đường tiêu hóa... Hội chứng lỵ do nhiễm trùng lông Balantidium coli gây ra cũng có thể diễn biến thành bệnh mạn tính. Nhiều bệnh nhân có thời gian mắc bệnh kéo dài đến 20 năm hoặc hơn. Trong khoảng thời gian mắc bệnh mạn tính, thỉnh thoảng xuất hiện các đợt tái phát cấp tính của bệnh lỵ và tiêu chảy.

Việc chẩn đoán bệnh nhiễm trùng lông Balantidium coli có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng nêu trên. Tuy nhiên, các triệu chứng của hội chứng lỵ do trùng lông gây ra thường rất khó phân biệt với hội chứng lỵ do trực khuẩn lỵ hay amip gây ra. Do đó trong những trường hợp này, bác sĩ phải thực hiện các xét nghiệm như soi trực tràng có thể thấy vết loét đặc trưng do trùng lông Balantidium coli gây nên, với đặc điểm vết loét thường rộng, sâu, đáy có phủ mủ, mô bị hoại tử... Chẩn đoán chính xác nhất vẫn là xét nghiệm phân để tìm Balantidium coli.

Việc điều trị bệnh nhân bị nhiễm trùng lông Balantidium được thực hiện theo nguyên tắc điều trị giống như điều trị bệnh lỵ amip. Nhiều loại thuốc điều trị đặc hiệu có hiệu lực tốt với amip cũng có tác dụng tốt đối với trùng lông, đó là: các dẫn chất của emetine như emetine chlohydrate, dehydroemetine...; các dẫn chất của iode như yatren, mixiode...; các dẫn chất của asen như carbazole, bemarsal...; hay thuốc metronidazole với các biệt dược như flagyl, klion...

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh do trùng lông Balantidium coli phân bố rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới, trong đó ở Việt Nam. Điều cần lưu ý: đây là một loại bệnh ký sinh trùng đường ruột có thể gây nên hội chứng lỵ với các biến chứng nặng như thủng ruột, xuất huyết đường tiêu hóa với nguy cơ tử vong khá cao nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, mọi người cần nắm vững các triệu chứng bệnh cũng như đường lây nhiễm để có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Cụ thể, bảo đảm vệ sinh ăn uống, vệ sinh nguồn nước sử dụng và xử lý tốt phân nước rác. Chúng ta biết rằng, trùng lông chỉ tấn công vào thành ruột để gây bệnh khi niêm mạc ruột bị tổn thương do nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn... Vì vậy, việc phòng tránh các bệnh gây nhiễm khuẩn đường ruột là rất quan trọng. Muốn thế cần thực hiện ăn chín uống sôi. Không ăn rau sống, không uống nước đá vì nước đá thường bị nhiễm bẩn. Không ăn tiết canh, không ăn mắm tôm, mắm tép sống, không ăn nem chạo, nem chua. Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn, sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với đồ vật. Thức ăn đã chế biến chín cần đậy lồng bàn tránh ruồi nhặng bu vào làm nhiễm bẩn. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh nói trên, cần đi khám ở bệnh viện để được xét nghiệm chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Trong khi điều trị, cần uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ để diệt trùng lông nhanh, triệt để, phòng biến chứng thủng ruột hay xuất huyết nguy hiểm.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục