Bệnh máu khó đông ở Bắc Giang: Hoang mang vì tin đồn

Bệnh máu khó đông ở Tân Yên, Bắc Giang: Hoang mang vì tin đồn 1
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai đang tư vấn cho một trường hợp bị nhiễm bệnh ở Bắc Giang tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh: PB

Người bị bệnh thì hoang mang không biết nguyên nhân, còn dư luận thì đồn thổi cho rằng đó là do ung thư, máu trắng, thậm chí là do ăn thịt chó bị dính bả chuột Trung Quốc…

Cả thị trấn lo lắng

Đã nhiều tháng nay, cửa hàng bán quần áo Tuấn Tú của anh Nguyễn Anh Tuấn và chị Nguyễn Thị Phương Liễu ở Phố Mới (thị trấn Cao Thượng) vắng khách đến lạ thường. Nguyên cơ bắt nguồn từ khi vợ chồng anh và cô con gái (6 tuổi) bị nhiễm bệnh chảy máu khó đông. Nhiều lời đồn đoán: Gia đình anh kinh doanh quần áo Trung Quốc nên bị nhiễm độc. Người khác thì tung tin là cả gia đình bị bệnh ung thư, máu trắng và có thể lây nhiễm nên phải tránh xa (?!).

Bà Ninh Thị Hồ, mẹ anh Tuấn cho biết, cả tháng nay vợ chồng anh phải lên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (HHTM) trên Hà Nội để chăm con nên bà sang đây trông coi cửa hàng. Bà Hồ nói: “Từ khi con trai, con dâu và cháu nội bị căn bệnh đó, nhiều lời đồn ác ý khiến cho gia đình tôi rất buồn”.

Nói về việc phát hiện bệnh, bà Hồ kể: “Khoảng cuối tháng 6, Tuấn đi bắt cá ở ao thì bị đỉa cắn vào mông. Sau đó cũng không để ý gì cả, đến đêm ngủ, thấy máu chảy ướt cả chăn, chiếu, hoảng quá, gia đình cho Tuấn đóng bỉm nhưng ở vết thương máu cứ chảy liên tục nên đưa Tuấn lên Viện HHTM để điều trị”. Sau đó, anh Tuấn được các bác sĩ ở Viện HHTM xác định bị rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố đông máu.

Hầu hết các bệnh nhân đều có mối quan hệ ruột thịt

Sau khi anh Tuấn được điều trị thì vợ và con anh cũng làm xét nghiệm nhưng không có biểu hiện gì. Một vài tháng sau thì cả chị Liễu và cháu bé đều bị nhiễm bệnh. Chị Liễu không đông máu sau khi sứt da còn cháu bé thì bị chảy máu chân răng. Bà Hồ cho biết, trong gia đình bà, ngoài gia đình anh Tuấn bị bệnh thì con gái của bà là chị Nguyễn Thị Thùy Trang (chị gái anh Tuấn) cũng có hai con 11 tuổi và 7 tuổi bị nhiễm căn bệnh này.

Là hàng xóm của anh Tuấn, chị Liễu, mấy tháng nay, vợ chồng anh Phạm Văn Hiệp và chị Nguyễn Thị Yến cũng phải bỏ bê công việc để chăm cháu P.T.T.V- 22 tháng tuổi.

Cách đây mấy tháng, anh chị phát hiện cháu V có hiện tượng thâm tím ở khắp trán, các khớp chân, tay, mặt mũi. Ban đầu vợ chồng hoang mang, lo lắng, nhưng sau khi được các bác sĩ ở Viện HHTM giải thích đây là hiện tượng xuất huyết trong do thiếu các yếu tố đông máu thì anh chị đã yên tâm hơn.

Đối diện nhà với gia đình anh Tuấn và anh Hiệp là gia đình anh Bùi Công Đoàn. Vợ chồng anh Đoàn cũng có hai cháu 3 và 5 tuổi bị nhiễm bệnh tương tự. Mặc dù hiện nay các cháu đã được chữa trị kịp thời nhưng anh vẫn phải đưa các con đi khám định kỳ và uống thuốc.

Anh Đoàn cho biết, đến nay nguyên nhân gây bệnh các bác sĩ và nhà khoa học đã vào cuộc làm rõ. Tuy nhiên, dư luận đồn thổi thì rất nhiều. “Lúc đầu gia đình hoang mang, lo lắng lắm, nhưng giờ thì rất yên tâm. Chỉ mong các con sớm khỏi bệnh”, anh Đoàn tâm sự.

Bệnh máu khó đông ở Tân Yên, Bắc Giang: Hoang mang vì tin đồn 2
Gia đình anh Hiệp, chị Yến rất hoang mang vì những tin đồn thất thiệt sau khi con gái bị bệnh. Ảnh: P.B.

Ăn thịt chó cũng“dính” bệnh?!

Ngoài những tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến các gia đình bị nhiễm bệnh thì theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu, người dân ở đây còn đồn thổi nếu ăn thịt chó, mặc quần áo hoặc ăn hoa quả Trung Quốc cũng sẽ bị bệnh.

Nhiều người cho rằng, nếu ăn thịt chó bị đánh bả chuột thì sẽ gây bệnh. Tuy nhiên, anh Hiệp hoàn toàn phủ nhận vì “con gái tôi chưa đầy 2 tuổi, ngoài ăn cháo ra thì cháu làm gì biết ăn thịt chó mà quy kết như vậy được? Tôi thấy nhiều thông tin như thế là thiếu chính xác”.

Mặc dù các thông tin đồn thổi đã lan truyền trong dân chúng và có đến 9 bệnh nhân trong thị trấn bị bệnh nhưng khi trả lời phóng viên, ông Dương Đình Đài, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Thượng cho biết, chưa hề nghe bất kỳ thông tin nào. “Tôi cũng không biết người dân ở đây bị bệnh như thế”, ông Đài nói.

Đáng chú ý là tất cả các ca nhiễm bệnh đều có một mối quan hệ rất đặc biệt. Các trường hợp bị bệnh là bố mẹ với con; anh em trong gia đình; hoặc hàng xóm gần nhau. Chẳng hạn, gia đình anh Tuấn bị bệnh thì gia đình chị gái của anh Tuấn là Nguyễn Thị Thùy Trang cũng có hai con bị nhiễm. Trong đó, giữa các con của chị Trang và con anh Tuấn lại cùng lứa tuổi và hay ăn uống, chơi cùng nhau. Anh Đoàn và anh Tuấn là bạn bè thân thiết nên thường xuyên ngồi ăn uống. Giữa anh Tuấn và anh Hiệp lại dùng chung một nguồn nước.

Ngày 11/12, trao đổi với PV, BS Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Hemophilia, Viện HHTM Trung ương cho biết: “Có thể khẳng định bệnh nhân chảy máu không cầm là do ngộ độc warfarin, còn từ nguồn ô nhiễm nào (thức ăn, nước uống, đất…) thì chưa xác định được, phải chờ thêm xét nghiệm từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Độc tố có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều đường. Có thể nguy cơ cao nhất là từ nguồn nước uống. Thực tế ở khu vực Tân Yên, Bắc Giang nơi có 9 bệnh nhân, một số gia đình có sử dụng bả chuột. Rất nhiều loại thuốc chuột trên thị trường có thành phần warfarin. Vì thế, không loại trừ khả năng chuột chết do ăn phải bả gây nhiễm độc nguồn nước. Chúng tôi đang chờ tiếp kết quả xét nghiệm mẫu nước, đất do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện”.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin