Là sản phẩm yêu thích của trẻ em nhưng thời gian qua, sản phẩm bim bim của nhiều cơ sở sản xuất bị cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Mới đây, ngày 4/9, Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế và an toàn thực phẩm (Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 12 đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm tại một cơ sở sản xuất bim bim thuộc Khu làng nghề Đan Phượng, Hà Nội. Không chỉ sản xuất "chui", không có giấy phép, cơ sở này còn sử dụng nhiều nguyên liệu trôi nổi có xuất xứ từ Trung Quốc (TQ). Cơ quan chức năng đã thu giữ hơn một tấn phụ gia thực phẩm, bao gồm ớt bột, muối, chất tạo ngọt lotus và chất tạo ngọt cyclamate. Chất tạo ngọt cyclamate là phụ gia đã bị cấm trong sản xuất thực phẩm bởi nguy cơ gây ung thư, dị dạng bào thai… đối với người sử dụng. Đặc điểm của đường cyclamate là có độ ngọt gấp 1.000 lần so với đường trắng và gia tăng thời gian bảo quản sản phẩm.
Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện cơ sở này sử dụng hai lao động người TQ. Mô hình sản xuất này rập khuôn "mô-típ" của những cơ sở sản xuất bim bim "bẩn" đã bị phanh phui gần đây, là sử dụng công nghệ và nguyên liệu không đảm bảo chất lượng của TQ. Điển hình là vụ việc tại Công ty TNHH Sa Sa (Hoài Đức, Hà Nội) hồi cuối năm 2012. Thời điểm đó, Đội Quản lý thị trường số 12 đã thu giữ hàng trăm ngàn gói bim bim gà, bò… nhãn hiệu Sa Sa và hơn sáu tấn nguyên phụ liệu TQ gồm bột ngọt, bột ớt khô, bột khoai tây, bột thịt gà, dung dịch hương vị, chất tạo ngọt cyclamate… Nhờ bốn "chuyên gia" TQ chuyển giao công nghệ, sản phẩm của công ty này đã "phủ sóng" khắp cả nước, đặc biệt là các vùng nông thôn. Kết quả kiểm nghiệm từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, các sản phẩm của Sa Sa bị thu giữ bên cạnh việc sử dụng chất tạo ngọt cyclamate còn chứa phẩm màu hữu cơ tổng hợp có thể gây ung thư cho người dùng.
Bim bim bẩn chưa đóng gói
Điều đáng lo ngại là sau vụ xử lý vi phạm tại Công ty TNHH Sa Sa, từ đầu năm 2013 đến nay, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục phát hiện nhiều cơ sở sử dụng nguyên liệu trôi nổi từ TQ, trong đó có chất cấm, phổ biến là đường cyclamate. Lợi nhuận cao đã khiến họ phớt lờ những quy định của pháp luật và sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, các biện pháp xử lý, khung hình phạt đối với các vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm hiện vẫn chưa đủ tính răn đe. Cụ thể, với trường hợp vi phạm như Công ty TNHH Sa Sa, ngoài việc thu hồi và yêu cầu thiêu hủy nguyên vật liệu vi phạm, cơ sở này bị xử phạt hành chính ở hai điểm là: phạt tiền 12,5 triệu đồng về sản xuất thực phẩm có sử dụng chất phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng và phạt tiền 15 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng nhập lậu. Như vậy, tổng số tiền xử phạt đối với cơ sở này chưa đến… 30 triệu đồng!
Bên cạnh khung hình phạt nhẹ, việc kiểm nghiệm của cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm bị thu giữ mà không tiến hành kiểm tra, công bố với những lô hàng đã xuất ra thị trường của cơ sở vi phạm. Hàng trăm ngàn gói bim bim vẫn tiếp tục trôi nổi trên thị trường, bủa vây những quán cóc cạnh trường học, đổ về các vùng nông thôn… Việc xử lý thiếu triệt để, chưa tận gốc như thế, có lẽ là vấn đề đáng quan tâm không chỉ với mặt hàng bim bim mà còn rất nhiều các mặt hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm khác đang tràn lan trên thị trường.
Bình luận của bạn