Bỏ hội nghị để phẫu thuật khẩn cấp cứu bệnh nhi

Kíp mổ đặc biệt cuối tuần qua gồm 3 phẫu thuật viên là các bác sĩ Trần Thanh Trí - Phó khoa Ngoại tổng hợp, Trương Đình Khải, Phạm Ngọc Thạch và bác sĩ gây mê Phạm Văn Tuân. Hai cháu bé sơ sinh bị dị tật bẩm sinh liên quan hệ hô hấp cần phẫu thuật sớm tránh nguy hiểm tính mạng.


Ca phẫu thuật diễn ra tại Đà Nẵng ngay trong dịp các bác sĩ Nhi đồng 2 từ TP HCM ra dự hội nghị. (Ảnh bác sĩ cung cấp)

Bé sơ sinh 6 ngày tuổi được chuyển từ bệnh viện Hội An lên Phụ sản - Nhi Đà Nẵng với chẩn đoán thoát vị hoành. Các bác sĩ cho biết, thông thường trẻ sinh ra thì các tạng như ruột, gan, lách ở dưới ổ bụng. Phía trên ngực là tim và phổi. Giữa 2 khoang này có cơ hoành che chắn. Cơ hoành bị khiếm khuyết sẽ khiến ruột, lá lách, bao tử chạy lên trên ngực chèn ép phổi gây thiểu sản phổi và ảnh hưởng đến hô hấp. Êkip phẫu thuật khâu phục hồi cơ hoành cho bé, đưa những tạng đã chạy lên lồng ngực xuống bụng để tạo khoảng trống cho phổi nở ra, không bị chèn ép.

Thoát vị hoành là dị tật tương đối thường gặp với tần suất khoảng 1/5000 trẻ sinh ra. Siêu âm tiền sản có thể hỗ trợ để phát hiện dị tật này trước sinh giúp thầy thuốc chuẩn bị tốt tâm lý cho bà mẹ, chủ động tổ chức sinh nở ở những trung tâm có điều kiện hồi sức và phẫu thuật sơ sinh. Các triệu chứng bé bệnh sau sinh như tím tái, thở nhanh, co lõm hõm ức, rên rỉ, lồng ngực không cân đối, chụp phim X-quang ngực bụng cho hình ảnh các quai ruột trên lồng ngực. Suy hô hấp sớm sau sinh là một trong những dấu hiệu nặng của bệnh này.


Các bác sĩ Nhi đồng 2 bên bệnh nhi sau ca mổ thành công. (Ảnh: N.T)

Ca tiếp theo được các bác sĩ nhanh chóng thực hiện là phẫu thuật dị dạng nang tuyến bẩm sinh ở phổi cho cháu bé 27 ngày tuổi. Dị tật này là do sự bất thường bẩm sinh trong quá trình hình thành nhánh phổi, tổn thương có dạng nang chèn ép các phần phổi lành dẫn tới bé sinh ra khò khè, tím tái, viêm hô hấp tái diễn… Phẫu thuật sớm giúp tối ưu hóa sự phát triển của phổi lành, giảm nguy cơ bội nhiễm cũng như ung thư hóa. Dị tật có tần suất gặp 1/10.000 bé.

Cả hai ca mổ đều thành công, các cháu đang được theo dõi tại khoa hồi sức bệnh viện sản - nhi Đà Nẵng.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết, đây là những ca mổ có thời điểm can thiệp tối ưu, nếu chuyển viện làm mất thời gian thì kết quả điều trị sẽ không tốt. Ca mổ được xem như thành công của công tác tuyến, một hình thức hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật vì những trường hợp này tương đối hiếm gặp.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin