Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch lây qua đường tiêu hóa

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2014, dịch tả diễn biến phức tạp tại một số nước: Nam Sudan, Cuba, Cộng hòa Dominica, Haiti, Mexico; riêng tại Nam Sudan từ tháng 5/2014 đến nay đã có ít nhất 2.340 trường hợp mắc và 63 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, dịch tả gần đây nhất xảy ra vào năm 2007-2009 tại 24 tỉnh, thành phố. Mặc dù hiện nay không ghi nhận ổ dịch tả trên phạm vi cả nước, tuy nhiên thời gian vừa qua, nước ta cũng đã bắt đầu ghi nhận một số ổ dịch tiêu chảy cấp do E. Coli, nguyên nhân do điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, thiếu nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.




Dịch tiêu chảy cấp có nguy cơ bùng phát tại một số địa phương

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát thành dịch và hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, Bộ Y tế đã có Công văn số 4979/BYT-DP ngày 31/7/2014 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn, triển khai tích cực các hoạt động phòng chống bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa. Tập trung vào bệnh tiêu chảy cấp nhằm phát hiện sớm, chủ động xử lý các ổ dịch không để bùng phát.

Ngoài ra, các Sở Y tế củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Rà soát các trang thiết bị, thuốc, vật tư, sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đặc biệt là các bệnh tiêu chảy cấp, sắp xếp khu vực điều trị riêng, đảm bảo thực hiện tốt việc phòng chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo tại các bệnh viện, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tử vong.

Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng.


CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn