Bệnh nhân nam, 33 tuổi (ở Thành Công, Hà Nội) vào viện trong tình trạng hôn mê, vật vã. Trước đó, bệnh nhân có ăn tiết canh tất niên với bạn trong chuyến công tác tại Ninh Bình. 4 ngày sau khi ăn tiết canh, bệnh nhân đột ngột rơi vào tình trạng sốt cao rồi nhanh chóng bị hôn mê, vật vã và phải nhập viện.
Trường hợp khác, bệnh nhân nam ở Hoàng Mai cũng nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê sâu vì viêm màng não mủ do ăn vài bát tiết canh lấy may. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được điều trị tích cực, đến nay đã tỉnh táo.
Nhiều bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn vì ăn tiết canh
Trước đó, bệnh viện cũng đã điều trị cho một bệnh nhân ở Hưng Yên nhập viện trong tình trạng sốt cao, sốc, xuất hiện các ban hoại tử vùng tay, cẳng chân... do mắc liên cầu lợn vì ăn tiết canh. Ca bệnh này phải trả qua hơn 20 ngày điều trị mới qua nguy kịch.
BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết: “Trong tiết canh tiềm ẩn lây truyền rất nhiều bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, liên cầu lợn. Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng”.
Theo các bác sỹ, thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày. Bệnh khởi phát bằng sốt cao, sau đó tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Đáng nói, bệnh diễn tiến cực nhanh dẫn đến suy đa phủ tạng, đe dọa tử vong nếu bệnh nhân đến viện muộn. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, thậm chí bị kết hợp cả hai thể bệnh này. Liên cầu lợn gây ra tình trạng bệnh lý rất nặng nề, đe dọa tử vong cao, nếu bệnh nhân qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng cho người bệnh. 40% bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện giảm thính lực. Theo một nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong năm 2010, trên 55 bệnh nhân mắc liên cầu nặng phải nhập viện này điều trị ở miền Bắc thì tỷ lệ tử vong là gần 13%.
Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra cuối
tuần qua, Bộ trưởng bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đã khuyên người dân
không nên ăn tiết canh. Bộ trưởng Phát đưa ra quy luật, “Kinh nghiệm của
chúng tôi cho thấy vào dịp cuối năm, bà con thường mổ lợn mổ gà để cúng
rồi ăn tiết canh. Đây là con đường để dịch bệnh như liên cầu khuẩn,
nhiệt thán… xâm nhập vào cơ thể. Thời gian ủ bệnh từ 5 - 7 ngày, nếu ăn
tiết canh trước Tết thì ra Tết vào viện, nhiều trường hợp khoảng mùng 10
thì tử vong”.
Bình luận của bạn