Cả nước có gần 400 ca bệnh được ghép tế bào gốc

Ngày nay, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc không chỉ giới hạn trong việc điều trị các bệnh máu mà còn được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau

Thành công với ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng đầu tiên

​Lần đầu ghép tế bào gốc cộng đồng chữa ung thư máu

Cấm dùng mỹ phẩm có thành phần có nguồn gốc từ con người

Chữa truỵ tim bằng tế bào gốc

GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị cho biết: “Tế bào gốc đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực điều trị, góp phần mang đến những hy vọng mới trong việc nâng cao sức khỏe con người. Khoa học về tế bào gốc đang đạt được những kết quả tốt đẹp và phát triển rất nhanh chóng ở mọi phương diện, góp phần tích cực vào công tác điều trị cho người bệnh. Chủ đề nóng và tươi mới này sẽ tiếp tục được các nhà khoa học ở Việt Nam tiếp cận và chinh phục để thúc đẩy phát triển rực rỡ hơn, bền vững hơn và có tính hội nhập cao hơn.”

Hội nghị có sự tham dự của gần 300 đại biểu là các nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh với 54 báo cáo khoa học trên các lĩnh vực khác nhau về ứng dụng của tế bào gốc như: Huyết học – Truyền máu, Mắt, Tim mạch, Da liễu, Bỏng, Ngoại khoa….

Sáng ngày 24/4/2015, các đại biểu sẽ được nghe 5 báo cáo của các chuyên gia nước ngoài đến từ Đức, Nhật Bản và Bỉ - các nước đang tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học.

Tế bào gốc (stem cell) là những tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào khác nhau để thay thế cho các tế bào bị mất đi do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Nhờ đặc điểm này mà người ta có thể sử dụng tế bào gốc để tạo ra các tế bào mới thay thế cho các tế bào bị tổn thương hoặc mất chức năng, đem lại nhiều triển vọng trong điều trị các bệnh nan y. Ở các nước phát triển, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những thành công bước đầu trong lĩnh vực này là việc sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị một số bệnh máu ác tính (ghép tế bào gốc tạo máu). Nguồn tế bào gốc sử dụng cho ghép được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn và gần đây là từ màng lót cuống rốn. Ngày nay, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc không chỉ giới hạn trong việc điều trị các bệnh máu mà còn được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau như: Mắt, tim mạch, xương khớp, bỏng, da liễu, thẩm mỹ, nhi khoa…

Ở Việt Nam, năm 1995, BV Truyền máu – Huyết học thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành ca ghép tế bào gốc đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu. Đến nay, nhiều hoạt động liên quan tới tế bào gốc ở nước ta bao gồm: tổ chức các Trung tâm tế bào gốc, đào tạo cán bộ, tiếp nhận tế bào gốc, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh… đã phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Nhiều cơ sở y tế triển khai nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị như: BV Trung ương Huế, BV Nhi Trung ương, BV TW Quân đội 108, BV 19/8…

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh từ năm 2006, cho đến nay (4/2015) đã tiến hành ghép được trên 150 ca bao gồm cả ghép tự thân và ghép đồng loại, đặc biệt đã có 02 ca được ghép từ máu dây rốn từ Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện.

Tính đến 4/2015, cả nước đã ghép được tổng cộng 387 ca, trong đó có 218 ca ghép tự thân và 169 ca ghép đồng loại.

Qua hội nghị sẽ có được những định hướng nghiên cứu phù hợp, những thông tin mới, những sự hợp tác mới để thúc đẩy kỹ thuật ghép tế bào gốc và nghiên cứu về tế bào gốc trong điều trị bệnh lên một tầm cao mới.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin