Nhiều quốc gia học cách "sống chung" với đại dịch
"Sống chung" với kẻ giết người
Chuyên gia giải đáp về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi
Khách đi tàu khai báo với PC-COVID, nhiều tỉnh cho học sinh đi học trở lại
Bộ Y tế phê duyệt 2 loại vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em
Sau gần 2 năm xuất hiện và diễn biến phức tạp, đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Sự xuất hiện liên tục những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero COVID-19” (Chiến lược dập tắt hoàn toàn dịch bệnh) sang “sống chung an toàn với COVID-19”. Hiện nay, có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược phòng chống dịch bệnh theo hướng này.
Với chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, các quốc gia trên thế giới đang từng bước tìm hướng nới lỏng các biện pháp chống dịch phù hợp, để phát triển kinh tế và nối lại hoạt động của ngành du lịch.
Đông Nam Á từng bước mở cửa "sống chung" với COVID-19
Nhiều nước Đông Nam Á đã xác định "sống chung" và thích nghi an toàn với COVID-19. Singapore – đất nước có tỷ lệ vaccine bao phủ 80% - đã thực hiện 6 thay đổi lớn để dần dần hướng tới cuộc sống bình thường mới. Học sinh ở Singapore đã được quay trở lại trường học theo kế hoạch được chia làm từng giai đoạn để đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch. Người dân Singapore cần phải “cập nhật” tư duy không coi thường dịch bệnh COVID-19, nhưng cũng không nên hoảng sợ.
Singapore đang trong thời kỳ thực hiện 6 thay đổi lớn để dần dần hướng tới cuộc sống bình thường mới
Campuchia đã mở cửa lại hơn 200 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tư thục và công lập ở thủ đô Phnom Penh vào tháng 9 vừa qua, sau hơn 7 tháng đóng cửa vì dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Campuchia đã bắt đầu lộ trình hướng tới khôi phục và thúc đẩy ngành du lịch trong và sau đại dịch trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 giảm liên tục kể từ đầu tháng 10.
Philippines cũng đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với các du khách đến từ các nước trong "danh sách xanh". Tổng thống Rodrigo Duterte đã thông qua quyết định cho phép thí điểm mở cửa trở lại các trường học ở những khu vực có nguy cơ thấp về lây nhiễm COVID-19.
Một quốc gia khác ở Đông Nam Á là Malaysia cũng coi COVID-19 như là một bệnh đặc hữu, giống như sốt xuất huyết hay sốt rét từ cuối tháng 10. Chính phủ Malaysia sẽ đơn giản hóa một số biện pháp hạn chế khi bước vào giai đoạn mới nhưng vẫn yêu cầu đeo khẩu trang.
Đối với Indonesia, Tổng thống Joko Widodo hồi đầu tháng 8 đã chỉ thị cho Bộ Y tế chuẩn bị lộ trình "sống chung" với COVID-19 trong trường hợp dịch bệnh này còn kéo dài trong nhiều năm nữa.
Châu Âu - tiêm chủng quy mô lớn sẽ là “chìa khóa” để tái mở cửa nền kinh tế
Tại châu Âu, các quốc gia như Pháp, Đức, Italy coi việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 là điều kiện cần thiết để dùng bữa tại các nhà hàng, đến bệnh viện hoặc sự kiện trong nhà khác. Anh cũng là quốc gia quyết liệt trong chiến lược “sống chung” với COVID-19 khi nước này đã chấm dứt mọi biện pháp chống dịch và giãn cách xã hội vào tháng 7 vừa qua. Mọi lệnh cấm hội họp và đeo khẩu trang nơi đông người cũng được dỡ bỏ. Người dân có thể tới nhà hàng, quán bar, hoặc vào sân xem bóng đá như chưa từng có đại dịch.
Nhiều quốc gia ở Châu Âu cũng nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19
Tại Hà Lan, quy định về khoảng cách 1,5 m giữa mọi người cũng đã được bãi bỏ từ cuối tháng 9. Tuy nhiên, giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 sẽ bắt buộc với những người từ 13 tuổi trở lên. Các sự kiện và lễ hội kéo dài nhiều ngày có thể diễn ra trong một số điều kiện nhất định với việc áp dụng giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 và xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Một quốc gia ở Châu Đại Dương là Úc đã thay đổi trong cách tiếp cận chương trình tiêm chủng, theo đó hướng tới miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng cho bộ phận dân số trẻ để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine. Quốc gia này cũng có kế hoạch nới lỏng phong tỏa và những người được tiêm chủng sẽ có nhiều quyền tự do đi lại hơn. Thủ tướng Scott Morrison đã kêu gọi các bang mở cửa trở lại sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân từ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, Úc vẫn sẽ tiếp tục xét nghiệm và truy vết, đồng thời vẫn áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Như vậy, “sống chung" an toàn với đại dịch đang dần trở thành xu thế chung trên toàn thế giới. Sự thay đổi này hướng đến việc chủ động kiểm soát COVID-19 mà không làm đứt gãy nền kinh tế, cũng như giảm tác động nặng nề tới cuộc sống của người dân. Đây cũng là những bài học cho Việt Nam trong việc thay đổi và thích ứng tốt hơn với đại dịch.
Bình luận của bạn