Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em là vaccine Pfizer và Moderna
Đà Nẵng lên kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em
Khách đi tàu khai báo với PC-COVID, nhiều tỉnh cho học sinh đi học trở lại
TP.HCM đề xuất tiêm vaccine mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch
Thống nhất mã QR trên các ứng dụng phòng, chống dịch từ 1/11
Trong buổi Tọa đàm “Tiêm vaccine phòng COVID-19 và các điều kiện để trẻ đến trường” do báo Dân Trí tổ chức ngày 1/11, các chuyên gia đã đưa ra những giải đáp cho nhiều thắc mắc chung của các bậc phụ huynh.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của 3 chuyên gia đầu ngành: PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; TS. Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục - Đào tạo và TS. Nguyễn Công Luật, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Về chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi
Hiện nay, Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em là vaccine Pfizer và Moderna. Đây là 2 loại vaccine đã được các tổ chức y tế trên thế giới, được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt, cũng như đã được tiến hành tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới và ghi nhận ít phản ứng phụ.
Nhiều phụ huynh lo lắng việc tiến hành tiêm chủng gấp rút có thể không đảm bảo được sự an toàn. Tuy nhiên, theo chia sẻ của PGS.TS. Trần Minh Điển: “Để một loại vaccine có thể ra đời, được đưa vào sử dụng thực tế sẽ cần thông qua rất nhiều nghiên cứu, nhiều pha thử nghiệm tính an toàn, tính sinh miễn dịch”.
Theo đó, các kết quả nghiên cứu cho thấy tính an toàn, hiệu quả bảo vệ của việc tiêm vaccine cho trẻ không khác biệt so với người lớn khi được tiêm với cùng liều lượng, cách tiêm qua đường tiêm bắp. Các chuyên gia đều đồng thuận các kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phản ứng sau tiêm rất thấp, hiệu quả bảo vệ cao nên các phụ huynh có thể an tâm cho con đi tiêm.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi cần được tiến hành thận trọng theo hình thức cuốn chiếu. Theo đó, việc tiêm vaccine cho trẻ sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc, nhưng vẫn ưu tiên tiêm trước tại các địa phương có tỷ lệ lây nhiễm cao, những nơi đông dân cư. Về lứa tuổi, việc tiêm chủng sẽ được sẽ được triển khai theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi.
Một số phụ huynh lo lắng việc tiêm vaccine mRNA có thể dẫn tới nguy cơ vô sinh hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định thành phần mRNA của virus chỉ xuất hiện ở khu vực bào tương, không xâm nhập vào trong nhân tế bào (nơi chứa ADN của người). Do đó, việc tiêm vaccine không ảnh hưởng tới sức khỏe của người đi tiêm.
Tiêm vaccine mRNA không dẫn tới nguy cơ vô sinh hay các vấn đề sức khỏe khác
Về nguy cơ phản ứng phụ khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, PGS.TS. Trần Minh Điển khẳng định: “Mỗi loại vaccine đều có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ riêng. Ví dụ, với vaccine Pfizer có thể là đau nơi tiêm, đau người, ớn lạnh, sốt kèm theo. Các phản ứng nặng hơn như phản ứng phản vệ, nguy cơ viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim… là có nhưng rất hiếm khi xảy ra”.
“Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã ban hành phác đồ phản ứng xử lý sau tiêm chủng, cũng như đã tổ chức tập huấn toàn quốc về việc phát hiện, chẩn đoán, xử trí các phản ứng nặng sau tiêm. Do đó, có thể nói ngành y tế đã được chuẩn bị sẵn sàng trong tất cả các tình huống có thể xảy ra. Các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sát con em sau tiêm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế để phát hiện và xử lý sớm các tình huống có thể xảy ra”, PGS.TS. Trần Minh Điển cho biết.
Theo đó, các chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh nên chú ý theo dõi sát sao các triệu chứng sốt, quan sát tình trạng mệt mỏi, khó chịu, giảm tri giác… ở trẻ trong vòng 3 - 7 ngày sau khi tiêm, tốt nhất là thực hiện theo phiếu theo dõi triệu chứng sau tiêm sẽ được bác sỹ phát.
Trong trường hợp trẻ sốt trên 38,5oC, cha mẹ có thể cho con uống thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol. Nếu thấy triệu chứng sốt cao kéo dài, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt (sau 4 - 6 tiếng dùng thuốc nhưng không đỡ), hoặc sốt đi kèm với các triệu chứng mệt mỏi, đánh trống ngực… phụ huynh nên đưa con đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, xử trí kịp thời.
PGS.TS. Trần Minh Điển cũng lưu ý một số trường hợp chống chỉ định hoặc trì hoãn tiêm. “Trường hợp chống chỉ định tiêm là những người có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine hoặc các thành phần của vaccine. Những trường hợp đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh mạn tính tiến triển sẽ phải trì hoãn tiêm. Trong khi đó, việc tiêm chủng sẽ phải tiến hành thận trọng trong trường hợp trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào, trẻ mắc các bệnh mạn tính, tự kỷ… Với những trường hợp này, cha mẹ nên đưa con đi tiêm tại bệnh viện để các bác sỹ có thể theo dõi sát hơn”.
Về các điều kiện để trẻ đến trường
Theo TS. Nguyễn Nho Huy, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có những hướng dẫn, đề nghị các cơ sở địa phương rà soát lại, chuẩn bị đón học sinh trở lại trường an toàn. Theo đó, các trường cần ưu tiên tiêm đủ vaccine cho giáo viên, cán bộ công nhân viên trong trường, cũng như tiến hành rà soát lại các tiêu chí đảm báo an toàn trường học trong các giai đoạn trước - trong - sau khi học sinh trở lại trường.
TS. Nguyễn Nho Huy cho biết: “Do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trước mắt, việc phân ca, chia lớp học có lẽ vẫn là biện pháp cần thiết. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, các trường học cần rà soát lại điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện về nhân lực để đảm bảo giãn cách cho học sinh. Trước mắt có thể kết hợp việc học trực tiếp cùng với tổ chức học trực tuyến (online) cho phù hợp với điều kiện của nhà trường, cũng như nhu cầu của học sinh”.
Để đảm bảo chất lượng dạy và học khi học sinh quay trở lại trường học, TS. Nguyễn Nho Huy cho biết các trường cần chú ý tổ chức hỗ trợ tâm lý cho các em sau thời gian học trực tuyến dài. Đặc biệt, các trường cũng cần sớm rà soát, đánh giá, phân loại chất lượng học của các em trong thời gian học trực tuyến vừa qua để có hướng dẫn phân loại, củng cố kiến thức cho phù hợp với từng nhóm học sinh. Các bài kiểm tra trực tiếp sẽ được thực hiện sau khi các trường ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, khi các em đã dần thích nghi lại với việc học trực tiếp.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên cũng như cán bộ công nhân viên trong trường học, các trường cẩn chủ động tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch trong nhà trường. Các trường cũng nên bố trí nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ y tế thường trực tại trường học khi học sinh chuẩn bị quay lại học, cũng như trong thời gian tổ chức tiêm sắp tới. Sở y tế, sở giáo dục - đào tạo các cấp cũng cần chú ý xây dựng phương án, kịch bản để xử trí gọn nhất, khoanh vùng truy vết, xử trí triệt để khi có trường hợp nghi mắc xảy ra trong cơ sở giáo dục tại địa phương.
Về việc đã nên mở lại nhà trẻ, trường mẫu giáo hay chưa, TS. Nguyễn Công Luật cho biết còn phải tùy vào từng địa phương. Theo đó, tại vùng xanh có thể xem xét mở cửa trở lại. Tại vùng nguy cơ cao cần cân nhắc có mở hay không, hay cân nhắc việc học trực tuyến. Việc có cho trẻ đi học lại hay không là tùy thuộc vào tình hình thực tiễn tại từng địa phương, có đảm bảo an toàn mới có thể mở cửa trở lại. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng sẽ sớm có hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho trẻ trở lại trường khi mở cửa trở lại.
Bình luận của bạn