Khí hydro trong bóng bay có thể gây tử vong
Mất tết, hoãn cưới vì bóng bay
Đang điều trị tại khoa bỏng bệnh viện Xanh Pôn, anh Phan Minh Đức, 39 tuổi, ngụ ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết trưa 16/1, gia đình anh đi dự lễ cưới tại một nhà hàng. Khi về, các con và cháu anh Đức cầm theo chùm bóng bay trang trí tại đám cưới. Thấy bọn trẻ muốn chia bóng, anh Đức lấy bật lửa đốt đoạn dây buộc thắt nút thì cả chùm bóng gần 30 quả bất ngờ phát nổ. Do đứng gần chùm bóng, anh Đức và hai con 11 tuổi và 15 tuổi, cùng người cháu chín tuổi bị lửa bén vào quần áo, làm bỏng ở mặt, cổ, tai và hai bàn tay phải đi cấp cứu. Sau anh Đức một ngày, bệnh viện tiếp nhận ba trường hợp khác bị nạn khi đang chụp ảnh cưới với bóng bay. Theo hồ sơ bệnh án, trong lúc cô dâu tạo dáng với chùm bóng bay thì chùm bóng phát nổ khiến hai nhân viên chụp ảnh bỏng nặng, cô dâu bỏng nhẹ ở mặt, phải hoãn đám cưới.
ThS.BS Nguyễn Thống, trưởng khoa bỏng bệnh viện Xanh Pôn cho biết những tai nạn do bóng bay như trên không hiếm gặp. Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận vài chục trường hợp, chủ yếu vào những thời điểm bóng bay được sử dụng nhiều như lễ tết, đám cưới… "Bóng bay thường được bơm khí hydro (hoặc acetylene) là những chất khí rất dễ cháy. Khi bóng ở gần nguồn nhiệt sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí làm bể bóng, khí hydro thoát ra kết hợp với oxy gây cháy nổ, tạo sức ép khiến cả chùm bóng nổ theo, gây thương tích cho những người đứng gần.
Khí hydro khi cháy nổ, nhiệt độ còn cao hơn là cháy gas, nên rất nguy hiểm. Bỏng do nổ bóng bay có bơm khí hydro có đặc điểm là lửa chờm nhẹ, bốc nhanh, song điều nguy hiểm là bỏng thường rơi vào chỗ hiểm như đầu, mặt, cổ, tai, hai bàn tay và nhiều người bị cùng lúc. Nạn nhân thường không bị bỏng sâu, bỏng nặng như bỏng xăng, lửa nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ, có thể để lại di chứng lâu dài. Nếu lúc bóng nổ, nạn nhân vô tình hít nhiều khí hydro, có thể sẽ bị lơ mơ, ói mửa, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong", BS Thống cảnh báo.
Chơi sao cho an toàn?
Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Sơn, viện Khoa học vật liệu Việt Nam, hydro là chất khí dễ bốc cháy, có phản ứng cực mạnh với clo và flo, tạo thành các axit hydrohalic, có thể gây tổn thương cho phổi và các bộ phận khác của cơ thể. Trộn với oxy, hydro nổ khi bắt lửa, hoặc hydro nổ khi có dòng điện đi qua, tốc độ cháy của hydro là 3.500m/s, nhiệt độ 3.100 độ C. Do cấu trúc phân tử bé nên hydro phát tán cực nhanh và có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Nếu người dùng chủ quan để bóng bay bơm bằng khí hydro sát bóng đèn, bóng cũng có thể phát nổ. Không phải bóng nào cũng dễ xảy ra cháy nổ. Các loại bóng không bay bơm không khí thì không thể cháy, chỉ nổ khi có tác dụng của ngoại lực. Đáng lo là người dân quen sử dụng bóng bay bơm khí hydro hơn trong các dịp lễ, tiệc… Ở những cuộc vui đó, chỉ cần có tia lửa như hút thuốc, dòng điện đi qua là bóng có thể cháy nổ. Ngay cả khi thả bóng bay lên trời trúng vào các dây điện cao thế, hoặc vô tình mang vào bếp cũng có thể gây cháy nổ. PGS Sơn cho biết: "Hiện việc quản lý và hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các đối tượng điều chế hydro theo phương pháp thủ công như bơm bóng bay chưa chặt chẽ.
Hầu hết các bình, chai khí ngoài thị trường đều không được kiểm định, thậm chí có người sử dụng loại bình không chịu được áp lực, bình cũ để bơm khí nén, tiềm ẩn nguy cơ gây nổ. Người dân khi thấy các loại bình khí này không nên lại gần". Cũng theo PGS Sơn, dung dịch màu dùng để tạo màu sắc cho những quả bóng bay là màu công nghiệp, phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc. "Tránh cho trẻ ngậm, thổi hay cầm nắm trực tiếp bóng bay", PGS Sơn lưu ý.
Theo BS Thống, trẻ nhỏ là đối tượng bị bỏng do bóng bay nhiều nhất nên khi trẻ chơi đùa với bóng bay, người lớn cần để ý. "Nếu bị bỏng do bóng bay phát nổ, cần sơ cấp cứu ban đầu như bỏng nhiệt, bị bỏng ở phần nào thì cho ngâm vào nước sạch phần đó và đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị. Tuyệt đối không được bôi kem đánh răng hay bôi nước mắm lên vết bỏng sẽ dễ làm nhiễm trùng…", BS Thống khuyến cáo.
Bình luận của bạn