Cẩn trọng với châm cứu dạo!

"Thầy Năm" sẵn sàng châm cứu cho bệnh nhân ở ngoài đường

Bệnh… là châm

Tại các khu công nghiệp tập trung đông công nhân như Vĩnh Lộc (Bình Chánh), An Lạc (Q.Bình Tân), Hóc Môn… hễ có ai đau nhức, mọi người rỉ tai nhau tìm đến "thầy Năm" hành nghề châm cứu, tẩm quất dạo. "Thầy" khoảng 60 tuổi, quê ở Kiên Giang.

"Trang thiết bị" hành nghề châm cứu chữa bệnh của "thầy" rất đơn giản: một cái túi, trong đó có dầu nóng, cồn, bông gòn, một hũ kim châm, khăn. Nếu BN nào có điều kiện, "thầy" châm cứu tại nhà, bằng không thì "thầy" sẵn sàng trải tấm bạt cho BN nằm ở vỉa hè, bãi cỏ. Quan sát cách châm cứu của "thầy", chúng tôi không khỏi choáng. Khi nghe BN nói đau lưng hoặc nhức tay, chân… "thầy" liền tiến hành châm mà không hề rửa tay. Giá tiền mỗi lần châm cứu là 50.000đ, ngoài ra "thầy" còn "khuyến mãi" tẩm quất.

Trên các trang mạng, có nhiều thông tin quảng cáo châm cứu tại nhà BN. Sau khi nghe chúng tôi nói bị nhức lưng, ông T. (Q.7) vội vàng xin địa chỉ và nói sẽ đến nhà ngay. Biết chúng tôi không có điều kiện để ngườhi khác đến nhà, ông T. gợi ý chúng tôi đến phòng trọ của ông ở Q.7. Ông T. "nổ" rằng, ông là thành viên của Hội Đông y TP.HCM. Nhiều căn bệnh ông có thể chữa khỏi bằng châm cứu. Với đôi tay không vệ sin sạch sẽ, ông T. lấy bông gòn đã tẩm sẵn cồn lau vài đường trên lưng. Tôi giật mình khi thấy ông T. lấy kim châm từ một cái hũ nhỏ, sau đó vội vàng nhét kim châm vào một bao đựng đã xé sẵn. Tôi thắc mắc trong cái hũ nhỏ (nơi ông T. đã lấy kim châm ra trước đó - PV) đó đựng gì, ông T. hơi lúng túng và cho biết, đây là cái hũ ông đựng kim châm cũ mà ông từng châm cho BN trước đó.

Lương y T. đang châm cứu cho người bệnh tại nhà

Mất mạng như chơi

ThS-BS Đỗ Tân Khoa, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Y học cổ truyền TP.HCM cho biết, ưu điểm của chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu là chi phí thấp, có thể điều trị ngay tại nhà, hay điều trị ngoại trú nên BN không nhất thiết phải nhập viện… Trước đây, kim châm được dùng chung theo hình thức vô trùng bằng cồn, hấp tiệt trùng. Nhưng việc sử dụng chung kim châm trong châm cứu đã bị cấm từ lâu. Bởi kim châm cũng giống như kim tiêm, khi xuyên qua da, tiếp xúc với các mô, tế bào và cả mạch máu… nguy cơ lây nhiễm các bệnh HIV, viêm gan B, C rất cao. Để tránh lây nhiễm khi châm cứu, ngoài việc dùng riêng kim châm cho từng BN (tốt nhất dùng kim vô trùng, chỉ sử dụng một lần), các thầy thuốc cần phải đảm bảo đúng các quy định về vệ sinh vô khuẩn như: rửa tay đúng kỹ thuật, vô trùng các y dụng cụ (bông gòn, khay…), sát trùng da đúng kỹ thuật.

Theo BS Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Châm cứu - dưỡng sinh, BV ĐH Y Dược TP.HCM, tại các BV, khoa, phòng khám khi BS tiếp nhận BN, bước đầu tiên đều kiểm tra xem và chẩn đoán bệnh lý rồi mới chỉ định nên dùng thuốc, hay phương pháp không dùng thuốc, trong đó có châm cứu. Vì mỗi người có những bệnh lý, tình trạng sức khỏe và cơ địa khác nhau. Nếu không có kiến thức chuyên môn, người hành nghề đó sẽ không quan tâm đến tình trạng sức khỏe của BN, không châm đúng huyệt; vệ sinh kém. Những trường hợp BN không được châm cứu là người có sức khỏe quá yếu, đang trong trạng thái bất thường, phụ nữ đang có kinh, đang mang thai, bệnh nhân bị tiểu đường có biến chứng…

Nếu trong quá trình châm không đúng góc độ kim, độ sâu kim sẽ dễ gây ra những tai biến nguy hiểm, và nếu không xử lý kịp thời nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong. BS Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý y dược học cổ truyền Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo quy định, với mỗi cá nhân, cơ sở muốn hành nghề khám chữa bệnh, châm cứu đều phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động. Những trường hợp không được cấp giấy phép, bắt buộc phải ngưng ngay việc khám, chữa bệnh trái phép này. Hoạt động châm cứu dạo không có giấy phép hành nghề cũng được quy vào hoạt động hành nghề trái phép. Người hành nghề phải có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, kiến thức về lĩnh vực y học cổ truyền (kê đơn, bốc thuốc, châm cứu).

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin