WHO cảnh báo nguy cơ lây lan virus Chikungunya

Nguy cơ lây lan virus Chikungunya trên toàn cầu

Hiểm họa từ thú vui hút bóng cười

Loại trái cây mùa Hè giúp giải nhiệt, tốt cho sức khỏe

Tầm quan trọng của lực nắm tay và cách cải thiện

5 chất tạo ngọt tự nhiên giúp hạn chế tăng đường huyết

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 22/7, bà Diana Rojas Alvarez, chuyên gia y tế tại WHO cho biết, virus Chikungunya đang xuất hiện trở lại. Đồng thời, kêu gọi các quốc gia nhanh chóng triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan rộng.

“Chikungunya không phải là một căn bệnh phổ biến. Tuy nhiên, hiện có khoảng 5,6 tỷ người tại 119 quốc gia đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh", bà Alvarez nhấn mạnh.

Theo WHO, virus Chikungunya từng gây ra một đợt bùng phát lớn vào năm 2004-2005 tại các đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương. Khi đó, virus nhanh chóng lan rộng ra nhiều khu vực và ảnh hưởng đến khoảng 500.000 người.

Từ đầu năm 2025 đến nay, các ổ dịch Chikungunya đã xuất hiện tại nhiều khu vực như đảo La Réunion, Mayotte (Pháp) và quốc đảo Mauritius, sau đó lây lan sang các nước châu Phi như Madagascar, Somalia và Kenya. Virus này cũng bắt đầu được ghi nhận tại Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á.

Tại châu Âu, giới chức y tế Pháp xác nhận đã có khoảng 800 ca nhiễm Chikungunya nhập cảnh, với 12 trường hợp lây nhiễm được ghi nhận tại một số vùng ở miền Nam nước Pháp kể từ ngày 1/5.  Trong khi đó, Italia cũng ghi nhận một trường hợp dương tính với virus này trong tuần qua.

Chikungunya là bệnh truyền nhiễm do virus cùng tên gây ra, lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn Aedes. Virus này có thể gây sốt cao, đau khớp nghiêm trọng và tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể kéo dài. Một số triệu chứng khác gồm sưng khớp, đau cơ, đau đầu, buồn nôn và phát ban.

Theo WHO, Chikungunya có triệu chứng lâm sàng tương tự sốt xuất huyết và virus Zika, khiến việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với virus này.

WHO cho biết, hiện đã có 2 loại vaccine phòng ngừa Chikungunya được một số quốc gia phê duyệt hoặc khuyến cáo sử dụng cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Tuy nhiên, các loại vaccine này vẫn chưa được phân phối rộng rãi và phổ biến trên toàn cầu.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt, đồng thời các quốc gia cần tăng cường năng lực giám sát dịch tễ và sẵn sàng ứng phó nếu dịch bùng phát.

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin