1
2

Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào, khi bị kích thích của các tác nhân sinh ung thư, tế bào tăng sinh một cách vô hạn, không tuân theo các cơ chế kiểm soát về phát triển của cơ thể.

Số liệu do Cơ quan Nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cho thấy, số ca mắc ung thư tăng nhanh từ 14,1 triệu ca mắc mới trên toàn thế giới vào năm 2012 lên 20 triệu ca vào năm 2022. Ước tính, thế giới sẽ có hơn 35 triệu ca ung thư vào năm 2050, tăng mạnh so mức của năm 2022.

3

Các bệnh ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến (chiếm khoảng 65,8% tổng các loại ung thư). Còn ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59,4% tổng các loại ung thư).

Đối với những bệnh nhân ung thư thì đau đớn là cảm giác đáng sợ nhất. Thực tế, số bệnh nhân ung thư phải trải qua cảm giác đau đớn lên đến 70% và tỷ lệ này có thể cao hơn đối với những người bệnh ở giai đoạn cuối. Đau đớn không chỉ làm suy sụp tinh thần người bệnh, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả điều trị bệnh.

4
5

Trên thế giới, chăm sóc giảm nhẹ đã hình thành và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ 20, với sứ mệnh xoa dịu nỗi đau, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh và gia đình người mắc bệnh mạn tính, điển hình như bệnh ung thư.

Tại Việt Nam, vào năm 2006, Bộ Y tế đã xuất bản “Hướng dẫn Chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư và AIDS”, bao gồm nhiều cải cách cấp tiến trong việc kê toa thuốc giảm đau gây nghiện ngoại trú, tạo điều kiện cho những người bệnh nan y có cơ hội giảm thiểu nỗi đau cho họ và cho cả gia đình. Theo đó, chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư và AIDS là sự kết hợp nhiều biện pháp để làm giảm sự chịu đựng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh thông qua phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị những vấn đề tâm lý và thực thể khác, đồng thời tư vấn, hỗ trợ nhằm giải quyết những vấn đề xã hội, tâm linh mà người bệnh và gia đình họ đang phải gánh chịu.

Theo WHO, chăm sóc giảm nhẹ là cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, những người đang đối mặt với những bệnh lý đe dọa đến tính mạng, và người thân của họ, thông qua sự ngăn ngừa và làm giảm gánh nặng họ chịu đựng bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện và điều trị đau cũng như các vấn đề khác về thể chất, tâm lý xã hội và tinh thần.

6

Vào năm 2014, WHO đã đưa ra khuyến nghị: “Điều trị giảm nhẹ là một nhiệm vụ đạo đức của hệ thống y tế và là nghĩa vụ đạo đức của các chuyên gia y tế trong việc làm giảm bớt, xoa dịu nỗi đau và sự chịu đựng về thể chất, tâm lý xã hội hoặc tinh thần, bất chấp tình trạng bệnh lý có thể chữa khỏi hay không”.

Trong đó, chăm sóc giảm nhẹ là cách thức tiếp cận đa ngành để chăm sóc y khoa và chăm sóc điều dưỡng cho những người bị mắc một số bệnh, bao gồm bệnh nhân ung thư. Theo TS.BS Trịnh Tú Tâm, vai trò của chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư ở mỗi giai đoạn sẽ khác nhau. Với bệnh nhân được chăm sóc giảm nhẹ từ giai đoạn đầu thì thời gian bệnh nhân lưu lại bệnh viện sẽ được rút ngắn, cơ hội khỏi bệnh tăng lên và tuổi thọ được kéo dài. Còn trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, vai trò chăm sóc giảm nhẹ được đặt lên hàng đầu, thậm chí còn quan trọng hơn các điều trị triệt để khác. Lúc này, mục tiêu điều trị khỏi bệnh là không thể thực hiện được. Thay vào đó, người thầy thuốc cần tìm cách làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh trong quỹ thời gian ngắn ngủi họ có được.

Bên cạnh đó, chăm sóc giảm nhẹ còn có vai trò tránh sự mệt mỏi, căng thẳng cho người nhà và giúp tránh giảm đam mê nghề nghiệp cho nhân viên y tế.

7

Hiện nay nhiều người vẫn hiểu nhầm “chăm sóc giảm nhẹ” là “chăm sóc cuối đời”, “chăm sóc cận tử”. Trên thực tế, các khái niệm này có những điểm khác biệt. Chăm sóc giảm nhẹ được cung cấp cùng lúc với các liệu pháp điều trị đặc hiệu ung thư, có thể được chỉ định bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị.

Còn chăm sóc cuối đời (chăm sóc cận tử) dành cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối hoặc các bệnh lý nặng có tiên lượng sống dưới 6 tháng. Trong giai đoạn này, các liệu pháp điều trị đặc hiệu thường không còn hiệu quả hoặc không còn phù hợp. Chăm sóc cuối đời tập trung vào việc giảm nhẹ các triệu chứng gây đau khổ cho bệnh nhân. Dựa trên cơ sở niềm tin, nguyện vọng của mỗi bệnh nhân, chăm sóc cuối đời có thể xác định mục tiêu chăm sóc và lập kế hoạch điều trị phù hợp nhất với bệnh nhân, thân nhân.

8

Theo TS.BS Trịnh Tú Tâm, bệnh nhân ung thư ngay khi nhận được kết quả chẩn đoán đã phải chịu những áp lực rất lớn về tinh thần. Có nhiều người so sánh rằng, khi nhận được kết quả chẩn đoán ung thư ác tính giống như vừa nhận được một bản án tử hình, chờ ngày xét xử, thi hành án. Do đó, việc chăm sóc giảm nhẹ cần thực hiện ngay từ khi bệnh nhân chẩn đoán bệnh, trong suốt quá trình điều trị, cho tận sau khi bệnh nhân qua đời (hỗ trợ gia quyến).

Quy trình chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư gồm điều trị về mặt tinh thần, tâm lý, cũng như điều trị thuốc. Điều quan trọng nhất là chăm sóc về nâng đỡ, cải thiện đau cho bệnh nhân bằng thuốc, các biện pháp điện quang can thiệp kết hợp với các phương pháp xạ trị, hóa chất giúp giảm đau và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.

9

Dùng thuốc giảm đau là phương pháp mở đầu trong điều trị đau do ung thư. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe, tác dụng phụ của thuốc mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc, liều lượng và cách dùng với từng bệnh nhân cụ thể.

Ngoài việc dùng thuốc uống, thuốc tiêm thì phương pháp điện quang can thiệp đang được xem là “vũ khí” giúp xoa dịu đau đớn do ung thư gây ra. Theo TS.BS Trịnh Tú Tâm, điện quang can thiệp được hiểu là các kỹ thuật điều trị đau dưới hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như máy siêu âm thần kinh, máy chụp mạch số hóa xóa nền, máy chụp cắt lớp vi tính…

Đặc biệt, với các bệnh nhân đáp ứng kém với thuốc uống, thuốc tiêm thì can thiệp bằng các thủ thuật hiện đại nhất trên thế giới là giải pháp được bệnh viện áp dụng. Ví dụ như: Tiêm phong bế thần kinh bằng thuốc tê và thuốc chống viêm; Hủy dây thần kinh bằng cồn, bằng sóng cao tần, áp lạnh để điều trị đau do khối u xâm lấn dây thần kinh ngoại vi; Hủy đám rối thân tạng trong đau nội tạng ở ung thư dạ dày, ung thư tụy…; Hủy đám rối hạ vị trong các ung thư xâm lấn vùng tiểu khung như ung thư cổ cung, ung thư tiền liệt tuyến, bàng quang, trực tràng…; Gây tê ngoài màng cứng liên tục, gây tê tủy sống với buồng tiêm nội tủy để chăm sóc và kiểm soát triệu chứng giai đoạn cuối…

Ưu điểm của các phương pháp này là không cần gây mê, không gây mất máu, hiệu quả giảm đau thường thấy ngay sau thủ thuật và nếu bệnh nhân có tình trạng đau tái phát có thể thực hiện lặp lại tương đối dễ dàng. Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ thuật dưới hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, cắt lớp vi tính, màn tăng sáng sẽ giúp xác định chính xác vị trí cần điều trị, tăng hiệu quả của thủ thuật và giảm biến chứng cho người bệnh.

10
11
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội