Vẫn lạc quan dù gần 20 năm "sống chung" với máy chạy thận

20 năm sống chung với máy chạy thận, ông Dương Đình Nguyên vẫn đang tỏ ra rất lạc quan - Ảnh: Lê Tuyết

10 lưu ý quan trọng cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo mùa Covid-19

Người bị suy thận cần làm gì để ngăn ngừa nguy cơ phải chạy thận nhân tạo?

Video: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể sống được thêm bao lâu?

Suy thận có ảnh hưởng đến khả năng sinh con?

Cái Tết khó quên

Chiều 20/6, tại Hà Nội và qua các điểm cầu trực tuyến tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, Bệnh viện Đà Nẵng, Hội Lọc máu Việt Nam tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày lọc máu chu kỳ đầu tiên.

TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình - Ảnh: Lê Tuyết

TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình - Ảnh: Lê Tuyết

Điểm cầu Hà Nội với sự tham gia của các y bác sỹ - những người luôn đồng hành cùng bệnh nhân chạy thận trong suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, trong chương trình còn có sự góp mặt của khoảng 60 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, phấn khởi khi được tham dự chương trình đặc biệt này.

Ngồi phía cuối hội trường là một người đàn ông lớn tuổi, với thân hình gầy gò, cánh tay dày đặc những vết u cục, vài ngón tay đã bị cắt do di chứng của chạy thận để lại.

Đó là ông Dương Đình Nguyên (quê ở Phú Thọ), người đã gắn bó với máy chạy thận gần 20 năm. Theo lời ông kể, bắt đầu từ cái Tết năm 2003 thì phát hiện bị bệnh thận. Khi khám thì mới biết bệnh đã ở giai đoạn nặng và gia đình phải đưa lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị kể từ ngày đó đến bây giờ.

“Thời điểm đó, vợ chồng tôi suy sụp. Đáng ra, Tết phải là thời điểm đoàn viên, vui vẻ với gia đình nhưng với tôi Tết năm đó thật u ám. Đó thật sự là cái Tết khó quên trong đời.” - ông Nguyên nhớ lại.

Gần 20 năm trôi qua, đến nay ông đã lạc quan và biết cách sống chung hòa hợp với bệnh hơn. Được biết, lịch chạy thận của ông vào các ngày thứ 3,5,7 hàng tuần và những ngày còn lại trong tuần ông ở lại dãy nhà trọ với các bệnh nhận thận khác.

Một vài ngón tay của ông Nguyên phải cắt bỏ do di chứng của chạy thận nhân tạo - Ảnh: Lê Tuyết

Một vài ngón tay của ông Nguyên phải cắt bỏ do di chứng của chạy thận nhân tạo - Ảnh: Lê Tuyết

Ông Nguyên cười nói: “Nhìn tôi nhỏ, gầy vậy thôi, chứ đa số các lần chạy thận tôi đều chạy được 4 tiếng đấy. Thỉnh thoảng có ngày mệt thì tôi chỉ chạy 3 tiếng rưỡi thôi. Nhưng nhiều người khác sức khỏe họ yếu nên chạy thời gian ngắn hơn. Chạy thận ấy mà, bác sỹ bảo chạy lâu sẽ tốt hơn.”

Khi được hỏi về cuộc sống ở dãy trọ trong những ngày nắng nóng như “đổ lửa” tại Hà Nội mấy ngày qua thế nào, ông Nguyên tâm sự: "Phòng có mỗi cái quạt, nhưng trời nóng nên ban ngày quạt còn... thổi ra hơi nóng. Thời gian gần đây, tích góp cũng sắm được cái điều hoà cũ đấy, nhưng nghĩ đến tiền điện cao quá nên cũng ít dùng. Hôm nào nắng nóng thì bật một vài tiếng buổi tối để phòng mát chút lại tắt ngay. Bản thân tôi có làm được gì ra tiền đâu, vợ con gom góp lo cho mình hàng tháng đã vất vả lắm rồi. Nên thôi, mình cố chịu nóng chút cũng không sao".

“Bệnh tật ấy mà, chẳng ai muốn mình mắc cả. Nhưng khi bị rồi thì phải chấp nhận mà sống cùng nó, cứ nghe theo lời khuyên của bác sỹ là được”- người đàn ông 20 năm sống chung với máy chạy thận lạc quan nói.

Ông Nguyên cũng nói thêm, hôm nay được tham gia buổi lễ kỷ niệm này tôi rất vui. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các bác sỹ đã đồng hành với tôi trong thời gian qua. Các y bác sỹ và điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân rất tận tình, giúp cho những người bệnh như tôi có sức khỏe tốt hơn.

“Khát cũng không được uống nhiều nước”

Đối với những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, giữa các đợt điều trị lọc máu, chất thải có thể tích tụ trong máu. Để giảm sự tích tụ chất thải này có thể thực hiện bằng cách kiểm soát chế độ ăn và áp dụng việc tập thể dục hàng ngày.

Do đặc thù của việc điều trị nên các bệnh nhân chạy thận không thể uống nhiều nước, dù thời tiết nắng nóng.

"Bệnh này dù có nóng, có khát cũng không được uống nhiều nước. Khó chịu và mệt lắm. Nhiều khi nóng quá cứ trêu nhau bảo thôi nóng cho ra mồ hôi, càng bớt được nước trong người..." - ông Nguyên nói.

Theo TS. Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về các tính lượng nước cho người đang chạy thận trong chương trình: Lượng nước uống trong ngày = Tổng lượng nước tiểu thải ra trong 24h ngày hôm trước + 500ml. Lượng nước uống trong ngày bao gồm cả nước uống và nước có trong thức ăn như canh... Ví dụ: Một bệnh thận suy thận mạn giai đoạn cuối lượng nước tiểu 1 ngày từ 7h sáng hôm nay đến 7h sáng hôm sau là 500ml. Thì lượng nước uống hàng ngày của bệnh nhân là 1000ml. TS. Tuấn lưu ý, chế độ ăn uống của bệnh nhân cần thực hiện sao cho phù hợp theo hướng dẫn của người trực tiếp đang điều trị bệnh.

TS. Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh lọc máu - Ảnh: Lê Tuyết

TS. Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh lọc máu - Ảnh: Lê Tuyết

Liên quan đế các vấn đề nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân lọc máu khác, TS. Tuấn cho biết:

- Nhu cầu về năng lượng: Người bệnh cần bổ sung từ ừ 25-35 Kcal/kg cân nặng/ngày. Nhu cầu này có thể tăng hay giảm tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể chất, mục tiêu tình trạng cân nặng, căn bệnh kèm theo… Một số cách chế biến rau củ trước khi nấu để giảm kali gồm: Rửa sạch, gọt vỏ, thái hạt lựu; Đun sôi cùng với nước trong 15 phút. Sau đó, đổ bỏ nước nấu, chỉ sử dụng phần rau đã nấu chín.

- Nhu cầu về vi chất: Người bệnh cần bổ bung các vitamin C, B1, B6, B12, E, acid folic, sắt, kẽm…

- Đủ đạm hoặc nhiều hơn người bình thường: Người bình thường cần 1gr/kg/ngày thì người bệnh thận có chạy thận cần ở mức cao: 1,2-1,4gr/kg/ngày. Những thực phẩm nhiều đạm nên bổ sung như: Thịt, cá, thịt gia cầm hay trứng. Lưu ý, mặc dù bơ đậu phộng, quả hạch, hạt, đậu khô, đậu Hà Lan và đậu lăng có protein, nhưng những thực phẩm này thường bị hạn chế vì chúng chứa nhiều kali và phospho.

- Hạn chế natri: Natri có trong muối là chủ yếu, nó làm tăng cảm giác khát và khiến người bệnh uống nước nhiều hơn. Hậu quả là tăng phù, tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim. Bệnh nhân nên hạn chế dùng muối, nước tương, nước mắm, thực phẩm đóng hộp hoặc đông lạnh, thịt chế biến sắn, thức ăn nhanh, các loại dưa muối, thực phẩm ngâm dấm…

- Ăn ít phosphat: Bệnh nhân cần giảm lượng phosphat trong chế độ ăn bằng cách tránh những thực phẩm như: Sản phẩm từ sữa như sữa tươi, pho mát, sữa chua; Các loại hạt, cacao, chocolate, hạt đậu khô, cua, sò, lòng đỏ trứng, thịt rừng, nội tạng động vật, bánh mỳ hoặc ngũ cốc nguyên cám, nước giải khát (coca, bia), bơ đậu phộng…

Bên cạnh chế độ ăn uống, bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần tuân thủ điều trị bằng thuốc và tăng cường tập thể dục. Từ đó, người bệnh sẽ giữ được sức khỏe và duy trì chất lượng cuộc sống dù thận không còn hoạt động tốt.

 

Năm 2020, Hội Lọc máu Việt Nam (VDA) được ra đời tại Quyết định số 551/QĐ-BNV ngày 4/8/2020 của Bộ Nội vụ). Hội là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp đại diện cho gần 6.000 cán bộ y tế đang làm việc trong lĩnh vực lọc máu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lọc máu cũng như phát triển chuyên ngành lọc máu.

Từ khi thành lập, Hội Lọc máu Việt Nam đã tư vấn chính sách cho Bộ Y tế, Bảo hiểm Y tế Việt Nam, đặc biệt liên quan đến lọc máu trong dịch COVID -19 như việc tổ chức lọc máu tại các cơ sở khám chữa bệnh trong dịch COVID-19; Hướng dẫn thanh toán bảo hiểm y tế đối với dịch vụ thận nhân tạo ở người bệnh lọc máu chu kỳ mắc COVID-19... Nhiều nội dung đã được Hội xây dựng và phát triển như: Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh thận; Cập nhật về lọc máu trong COVID-19; Đường vào mạch máu: Tiếp cận toàn diện trong đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, điều trị can thiệp và theo dõi bệnh nhân thận nhân tạo chu kỳ; cập nhật một số vấn đề trong thận nhân tạo và ghép thận; Catheter đường hầm trong lọc máu: Tiếp cận toàn diện về kỹ thuật, biến chứng nhiễm trùng và chăm sóc...

Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội