Ảnh minh họa
Quỳ trước linh cửu của mẹ mình, ông Nguyễn Tiến Nhụy (60 tuổi), kể tối ngày 15/2 bà Tuyệt luôn nôn ói. Đến sáng 16/2, con cháu quyết định đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh để khám, điều trị.
"Mẹ tôi rất khỏe mạnh. Bà đi từ nhà ra đường rồi bước lên ôtô để đi khám bệnh. Lúc nhập viện cho mẹ, tôi khai báo bà có triệu chứng nôn ói rồi được nhân viên bệnh viện làm thủ tục cho vào khoa lây nhiễm để điều trị. Tại khoa này, suốt một buổi sáng chỉ có một cô mặc áo blouse không có thẻ tên đến khám, đo huyết áp cho mẹ tôi", ông Nhụy nói.
Ông Nhụy kể thêm, sau khi khám xong cô mặc áo blouse phát cho mẹ ông một viên thuốc uống để hạ nhiệt. 15 phút sau chính cô này tiêm cho bà Tuyệt một mũi tiêm thuốc dưỡng não.
"Tiêm xong, mẹ tôi ngất xỉu. Khi người nhà kêu toáng lên thì có phó giám đốc bệnh viện cùng với một số y, bác sĩ đến hô hấp nhân tạo, truyền ôxy, kích điện… cấp cứu cho mẹ tôi nhưng không được. Thấy mẹ tôi chết đột ngột tôi chỉ biết khóc gào lên tại bệnh viện", ông Nhụy nấc nghẹn nói.
Theo bác sĩ Thái Phong Vũ, khi nhập viện bệnh nhân Tuyệt có triệu chứng đau đầu, buồn nôn. Khi có y lệnh, điều dưỡng Nguyễn Thị Hà Nam mới trực tiếp tiêm thuốc cho bệnh nhân Tuyệt.
"Trước khi điều dưỡng Nam tiêm thuốc ít nhất có hai bác sĩ khám cho bệnh nhân Tuyệt, không phải như người nhà bệnh nhân nói chỉ có một mình cô mặc áo blouse khám, tiêm thuốc. Dự định sẽ tiêm hai mũi tiêm thuốc dưỡng não cho bệnh nhân Tuyệt nhưng mới tiêm được một mũi thì bệnh nhân tử vong. Theo tôi bệnh nhân tử vong không phải sốc phản vệ mà khả năng nhồi máu cơ tim", ông Vũ nói.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, có phải tiêm thuốc dưỡng não chính là nguyên nhân đến bà Tuyệt bị nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong không? Bác sĩ Vũ trả lời không có chống chỉ định việc tiêm thuốc. Người khỏe mạnh sau khi tiêm thuốc có thể cũng bị nhồi máu cơ tim dẫn đến chết…
Bình luận của bạn