Cho trẻ ăn thạch rau câu: Lời cảnh báo từ các bác sỹ!

Không nên cho trẻ ăn thạch một mình

Hầu như, trẻ em ở lứa tuổi nào cũng đều thích ăn các loại thạch rau câu. Trên bao bì của các loại thạch đều có ghi “thạch hoa quả”, “thạch dưa hấu”, “thạch xoài”. “thạch sữa chua” ... khiến phụ huynh lầm tưởng thạch có thành phần từ hoa quả. Nhiều phụ huynh cho con ăn thạch như một món ăn vặt, ăn phụ vì tưởng chúng bổ dưỡng, nhiều vitamin, hoa quả. Tuy nhiên, thực chất thành phần của thạch là đường, chất nhũ hoá sodium alginate, bột agar, hương liệu, phẩm màu, chất polymer sinh học tách ra các loại cây rong...

Ăn thạch chỉ giúp trẻ ngon miệng nhưng nếu ăn nhiều còn dễ đầy, chướng bụng, khó tiêu hóa. Khi ăn thạch, trẻ cũng rất dễ bị hóc, nghẹn, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trẻ dưới 6 tuổi khi bị hóc thạch. Chiều 8/5, một bé trai 5 tuổi được đưa đến khoa Nhi (BV Bạch Mai) cấp cứu trong tình trạng tim rời rạc, không thở... Nguyên nhân là do bé bị hóc thạch khi ăn tại trường mầm non, miếng thạch to nằm chặn cổ họng của bé. Mặc dù đã được cứu sống và gắp miếng thạch ra khỏi cổ hỏng, nhưng các bác sĩ đang lo ngại tai nạn này sẽ để lại di chứng cho não bộ của cháu bé.


Thận trọng khi cho trẻ nhỏ ăn thạch

Đây cũng chỉ là một trong hàng chục trẻ tử vong, biến chứng sau khi hóc thạch. Sau vụ việc trên, nhiều phụ huynh đều lo ngại, hạn chế cho con ăn thạch nhưng điều đáng lo ngại là một số trường mẫu giáo vẫn mua các loại bánh kẹo, thạch cho trẻ. Chị Thanh Hương (Quận 5, Tp Hồ Chí Minh) cho biết “Lo ngại con dễ bị hóc thạch nên tôi đã dặn cả gia đình, ông bà tuyệt đối không mua loại thực phẩm này cho trẻ. Nhưng hôm qua khi con đi học mẫu giáo, tôi “tá hỏa” khi thấy con cầm trên tay một miếng thạch đang cắn dở, tìm trong ba lô của con thấy một, hai hộp thạch hoa quả. Hỏi ra mới biết, hôm đó là sinh nhật một bạn trong lớp, cô giáo và phụ huynh mua bánh kẹo, hoa quả trong đó có một túi thạch hoa quả chia cho các bạn trong lớp. Tôi rất lo ngại trường hợp này xảy ra tương tự nên đã dặn dò các cô giáo không nên cho trẻ ăn thạch một mình”.

Bác sĩ PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng,Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ, các phương tiện truyền thông đã cảnh báo và đưa tin nhiều về các trường hợp hóc thạch nhưng điều đáng buồn là cha mẹ vẫn cho trẻ nhỏ ăn thạch. Trong khi đó, món ăn này không hề bổ dưỡng và dễ gây nguy hiểm cho trẻ. Dù biết trẻ nhỏ thường thích ăn đồ ngọt, bánh kẹo, thạch nhưng cha mẹ không nên nuông chiều, cho trẻ ăn. Trẻ hóc thạch là lỗi tại người lớn, từ sự bất cẩn của chính người lớn chứ không phải do trẻ.

Cách sơ cứu khi trẻ hóc thạch

Lý giải về các trường hợp thương tâm trẻ tử vong do hóc thạch, bác sĩ Dũng khẳng định “Trong số các trường hợp hóc dị vật thì hóc thạch là nguy hiểm nhất. Bởi miếng thạch mềm, dễ dàng thay đổi hình dáng ôm khít lấy đường thở khiến trẻ ngạt thở nhanh chóng, thiếu ôxy lên não. Khi đến viện, việc gắp dị vật khỏi đường thở cũng rất khó khăn bởi thạch trơn, đầu trụ dễ trượt, dễ nát vụn.

Ngoài việc thời gian vàng trong điều trị quá ngặt nghèo các ca hóc thạch ở trẻ em cũng đòi hỏi điều trị khó khăn hơn, đòi hỏi bác sĩ phải xử lý linh hoạt. Bởi do thạch trơn, mềm, dễ nát ra thành các viên nhỏ nên càng nhanh bít hết đường thở của trẻ. Nếu bác sĩ cứ cố hút hết thạch trong đường thở của trẻ dễ thiếu ô xy trầm trọng, có nguy cơ tử vong. Do đó, trong trường hợp này bác sĩ cần phải luân chuyển liên tục giữa xông cung cấp oxy và hút dị vật.

Trong năm qua, tại khoa đã tiếp nhận hàng chục ca hóc thạch, nhưng đến nay mới cứu sống và không để lại di chứng duy nhất trường hợp em bé 14 tháng tuổi ở Bắc Giang. Trường hợp này do người bác của cháu là bác sĩ nên đã có biện pháp sơ cứu kịp thời khi trẻ hóc thạch.

Do đó, để phòng trách tai nạn đáng tiếc này, PGS.TS Dũng khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ dưới 6 tuổi ăn thạch. Với trẻ chẳng may bị hóc thạch, ngay lập tức cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất (hoặc nằm vắt ngang đùi người lớn, bụng chèn vào đùi để đầu dốc xuống đất) rồi dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được dùng tay cố móc thạch ra khỏi cổ trẻ bởi việc làm này vô tình càng làm miếng thạch bị đẩy sâu vào bên trong, bít hết đường thở của trẻ, khiến trẻ tử vong nhanh.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin