Khó đạt chuẩn, vì sao?
Theo Cục YTDP - Bộ Y tế, “Chuẩn Quốc gia Trung tâm YTDP tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2008 - 2015” là chủ trương của Bộ Y tế nhằm từng bước nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các trung tâm YTDP tỉnh, thành phố; đồng thời đáp ứng đòi hỏi mới trong công tác dự phòng nâng cao sức khỏe, kiểm soát dịch bệnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chuẩn Quốc gia Trung tâm YTDP tỉnh, thành phố còn là tiêu chí để kiểm tra, đánh giá năng lực, chất lượng hoạt động của các trung tâm trên toàn quốc. Được biết, sau khi xây dựng bộ tiêu chí chuẩn, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã có dự án hỗ trợ YTDP (dự án ADB) với mục đích giúp đỡ cho các đơn vị YTDP đạt chuẩn. Trong đó, dự án ADB sẽ hỗ trợ trang thiết bị, máy móc chính tại các tỉnh mà dự án thực hiện. Tuy nhiên, việc hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác YTDP ở tuyến tỉnh đòi hỏi địa phương phải cam kết đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo để tiếp nhận những trang thiết bị mà Bộ Y tế đã cung cấp. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát Phòng truyền thông và Chỉ đạo tuyến, Cục Y tế dự phòng cho thấy, khi nhận được nguồn tài trợ của dự án, nhiều tỉnh cam kết sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho YTDP, nhưng sau một thời gian, vì nhiều lý do, tiến độ thực hiện xây dựng cơ sở vật chất lại chưa được thực hiện. Đơn cử như TP. Hải Phòng, mặc dù được UBND thành phố, Sở Y tế rất quan tâm đầu tư mặt bằng nhưng lại thiếu kinh phí xây dựng... Hoặc Trung tâm YTDP tỉnh Lào Cai cũng đã hoàn thành Đề án Chuẩn Quốc gia YTDP tỉnh và trình UBND tỉnh tháng 11/2009 nhưng vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Thực tế cũng cho thấy, ở một số tỉnh, nếu được UBND tỉnh quan tâm đầu tư ngân sách thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn rất nhiều, còn một số địa phương chưa được quan tâm thì vẫn phải ở trong tình trạng chật chội, xuống cấp vì cơ sở đã xây dựng quá lâu. Do đó, vai trò của UBND các tỉnh trong việc ưu tiên đầu tư cho YTDP tại địa phương là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thực hiện Chuẩn về YTDP. Tại Điều 2, Nghị quyết 18/2008 - QH của Quốc hội cũng đã nêu rõ: "Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho YTDP”. Mặc dù đến nay, chưa có tổng kết nào thống kê được bao nhiêu tỉnh, thành phố đã thực hiện dành chi 30% ngân sách cho YTDP, nhưng việc đánh giá là cần thiết để có sự so sánh giữa các địa phương chưa được đầu tư với các địa phương đã được quan tâm đầu tư kinh phí cho YTDP, từ đó có những hướng giải quyết phù hợp.
Có nên điều chỉnh lại tiêu chí cho phù hợp?
Cũng theo Cục YTDP, để đạt được Chuẩn Quốc gia về YTDP, các trung tâm phải đáp ứng các tiêu chí của 10 chuẩn, mỗi chuẩn phải đạt 80% số điểm trở lên. Trong số 10 chuẩn thì khó đạt nhất là chuẩn về nhân lực và cơ sở hạ tầng. Trong 10 tiêu chí để các TTYTDP tỉnh, thành phố đạt chuẩn bên cạnh những tiêu chí mà các địa phương khó đạt chuẩn nhất như cơ sở hạ tầng nguồn nhân lực thì ở các tỉnh thuộc những vùng kinh tế khó khăn, các tỉnh miền núi, vùng xâu, vùng xa cũng còn khó đạt ở các tiêu chí khác như hoạt động xét nghiệm, hoạt động dinh dưỡng cộng đồng và vệ sinh thực phẩm...
Bộ tiêu chí Chuẩn Quốc gia là áp dụng đồng đều cho 63 tỉnh, thành phố, tuy nhiên, mỗi địa phương có những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kinh tế xã hội khác nhau, vì thế, áp dụng chung một chuẩn cho các tỉnh như nhau chắc chắn sẽ dẫn đến những kết quả không đồng đều. Đơn cử như tỉnh Hà Giang, một tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, ngay cả các bác sĩ đa khoa giỏi thu hút đã khó chưa nói đến thu hút bác sĩ có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực YTDP. Trong khi đó, yêu cầu về khả năng chuyên môn hay yêu cầu về các chỉ tiêu về xét nghiệm như nhau, rõ ràng nhiều tiêu chí đối với một số tỉnh miền núi như Hà Giang khó có thể thực hiện được. Hay như tại Đăk Lăk, khó khăn vì thiếu hụt nguồn nhân lực là vấn đề nan giải khiến cho TTYDP tỉnh này khó đạt đến chuẩn. BS. Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Đăk Lăk cho biết, thực tế, cán bộ YTDP phải “gánh” rất nhiều việc, từ phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường cho đến y tế trường học, y tế lao động...
Lãnh đạo Cục YTDP cho biết, hiện Cục đang xây dựng chính sách về YTDP trong đó có chính sách thu hút nguồn nhân lực YTDP nhằm bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt này. Bên cạnh đó, sẽ cân nhắc thay đổi một số tiêu chí cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, một số tiêu chí sẽ phải cân nhắc nâng lên để kịp với xu hướng của thời đại vì đó là mục tiêu lâu dài. Trước mắt, Chiến lược Chuẩn Quốc gia về YTDP giai đoạn 2008 – 2015 đã gần đến ngày cuối, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, hiện Cục YTDP đang nỗ lực giúp đỡ các địa phương tiếp tục giám sát và hỗ trợ các tỉnh để cùng tháo gỡ khó khăn.
Một ca phẫu thuật thành công có thể cứu sống được 1 người, nhưng 1 chiến lược YTDP thành công có thể cứu sống hàng triệu người, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều bệnh mới nổi, khó chẩn đoán, khó phát hiện và khó kiểm soát như hiện nay.
Đãi ngộ hợp lý cho cán bộ công tác YTDP BS. Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Quảng Ninh cho biết, để trở thành đơn vị đạt Chuẩn quốc gia như hiện nay, Trung tâm đã có những bước chuẩn bị dài hơi. Ngay từ năm 2009, Trung tâm đã xây dựng Đề án Chuẩn quốc gia với những mục tiêu cụ thể như: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cao về YTDP, trong đó ưu tiên đầu tư kinh phí cho phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút bác sĩ giỏi bằng các chính sách đãi ngộ hợp lý. Hàng năm, Trung tâm xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cho các cán bộ chuyên khoa, đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; cử cán bộ, bác sĩ đi học tập, nâng cao trình độ tại các cơ sở đào tạo nguồn lực về y tế dự phòng. Nhờ đó, Trung tâm đã thu hút được nhiều bác sĩ, cử nhân giỏi về làm việc. Hiện nay, cán bộ có trình độ đại học và trên đại học chiếm 69,8%, trong đó nhiều cán bộ có trình độ trên đại học. |
Bình luận của bạn