Có hay không “bất thường” trong sự mạnh dạn đi đầu của Vinaconex?

Trong thông báo của Bộ Xây dựng chỉ ra rằng: “Đối với Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đã mạnh dạn, cố gắng và đi đầu trong việc áp dụng lần đầu tiên ống composite cốt sợi thủy tinh cho tuyến ống truyền tải nước, tuy nhiên chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng”.

Vậy là sau khi để ống dẫn nước Sông Đà vỡ 9 lần, trách nhiệm của chủ đầu tư chỉ gói gọn “chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng”.


Đường ống dẫn nước composite bong rộp, nứt vỡ đến thảm hại

Có thể dễ dàng nhận thấy, nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh đã lựa chọn công nghệ và kiểm soát quá trình gia công chế tạo chưa chặt chẽ nên chất lượng ống không đồng đều, bong rộp, tách lớp tại một số vị trí. Không có các thí nghiệm về chỉ tiêu cơ lý minh chứng cho độ bền dài hạn của ống theo tiêu hạn.

Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, khi không có các thí nghiệm về chỉ tiêu cơ lý minh chứng cho độ bền dài hạn của ống theo tiêu chuẩn, tại sao chủ đầu tư vẫn lựa chọn. Việc lựa chọn này có thực sự là “mạnh dạn”, “cố gắng” và “đi đầu”?

Với vai trò là chủ đầu tư Vinaconex là người có tiếng nói và đưa ra quyết định sau cùng về việc chọn lựa đơn vị tổng thầu thiết kế, các nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu giám sát đến nhà sản xuất ống composite. Là người có quyền lựa chọn, trách nhiệm của Vinaconex cũng gắn với trách nhiệm của các đơn vị thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, khi quy trách nhiệm, lỗi của đơn vị tổng thầu thiết kế là thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống.

Một đơn vị tổng thầu thiết kế thiếu kinh nghiệm tại sao vẫn được Vinaconex lựa chọn?

Đơn vị tổng thầu không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống tại sao vẫn được tham gia thực hiện dự án? Hay khi thực hiện, chủ đầu tư Vinaconex không biết, phải đợi đến khi có sự cố, Bộ Xây dựng vào cuộc việc này mới được sáng tỏ.

Một công trình quan trọng của thủ đô với mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, Vinaconex không thể giao phó hoàn toàn, tin tưởng tuyệt đối nhà thầu giám sát thi công. Một đơn vị có tầm như Vinaconex có lẽ thừa hiểu nguyên tắc này trong việc thực hiện dự án, thi công xây dựng.

Sau 9 lần vỡ đường ống dẫn nước sạch Sông Đà, việc quy trách nhiệm đơn thuần không là thể làm an lòng dư luận. Một câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là: Có hay không “bất thường” trong sự mạnh dạn đi đầu của Vinaconex?


CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn