Nếu đã từng xem loạt phim Star Trek (Du hành giữa các vì sao) của Mỹ, chắc hẳn nhiều người sẽ ấn tượng với các thiết bị sử dụng công nghệ tiên tiến, điển hình như tricorder - một thiết bị y tế cầm tay có thể quét các dấu hiệu sinh tồn của một người, đưa ra chẩn đoán và kê đơn điều trị chỉ trong vài phút.
Bạn có thể đặt hy vọng về sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các thiết bị như vậy tới năm 2030. Theo đó, tới năm 2030, các chuyên gia tin rằng nhiều người sẽ sở hữu các thiết bị giúp phân tích máu, theo dõi chỉ số tim mạch và thậm chí kiểm tra hơi thở khi chúng ta ngủ. Trên thực tế, hiện đã có một số thiết bị với những tính năng này trên thị trường.
Chúng ta đã trải qua một “làn sóng” đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, từ đó mang lại cơ hội mới cho các công ty, giảm các chi phí nói chung và quan trọng hơn cả là cải thiện tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Những đột phá trong chẩn đoán có thể giúp phát hiện bệnh sớm hơn, hoặc trong một số trường hợp là có thể điều trị trước cả khi bệnh tiến triển. Ví dụ điển hình có thể kể tới kỹ thuật sinh thiết lỏng (liquid biopsy) - kỹ thuật có bản chất là sử dụng các loại dịch của cơ thể như máu, nước tiểu, nước bọt nên không xâm lấn, nhưng có thể giúp phát hiện phân tử của các khối u, từ đó xác định ung thư ở các giai đoạn sớm.
Việc tìm ra được một phương pháp chữa trị ung thư hoàn toàn có thể gần hơn bạn nghĩ. Trên thực tế, các chuyên gia tin rằng từ nay tới năm 2030, một số bệnh ung thư sẽ có thể được chữa khỏi về mặt chức năng bằng liệu pháp tế bào. Các xét nghiệm mới, đáng tin cậy sẽ cho phép phát hiện sớm sự hình thành và vị trí của khối u. Việc được chẩn đoán sớm có thể giúp nhanh chóng loại bỏ được bệnh ung thư - một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong hiện nay.
Chi phí giảm và sự phát triển của khoa học là những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng đáng kể của hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các công ty. Nhiều công ty cũng đang đầu tư vào việc tìm ra những cách thức độc đáo để chống lại bệnh ung thư và các bệnh tật khác. Đặc biệt, các liệu pháp bắt nguồn từ những thử nghiệm di truyền có khả năng giúp kéo dài tuổi thọ đã tạo ra doanh thu hàng tỷ USD cho các công ty phát triển chúng.
Nhiều chuyên gia cho biết họ sẽ không ngạc nhiên nếu thấy nhiều ý tưởng đổi mới về dược phẩm từ Trung Quốc vào năm 2030. Đây là đất nước có số dân mắc bệnh ung thư nhiều nhất thế giới. Do đó, họ có nhiều cơ hội để nghiên cứu, dễ dàng đưa các loại thuốc mới vào thử nghiệm lâm sàng. Trong vòng 5 - 10 năm tới, nhiều chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu tung ra các loại thuốc mới, thậm chí có thể “lấn sân” kinh doanh sang Mỹ.
Tới năm 2030, các chuyên gia dự đoán việc thanh toán điện tử sẽ trở thành tiêu chuẩn, thậm chí nhiều người có thể nhìn bạn với ánh mắt kỳ quái nếu cố gắng thanh toán bằng tiền mặt.
Trên thực tế, xu hướng này đã có từ vài năm trở lại đây, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nhiều người tiêu dùng có thể không có tài khoản ngân hàng, nhưng họ có thể áp dụng công nghệ thanh toán di động một cách nhanh chóng.
Có thể nói đại dịch COVID-19 là động lực thúc đẩy thanh toán điện tử trên khắp thế giới. Do đó, ngay cả khi đại dịch đã lắng xuống, nhiều người vẫn cảm thấy thoải mái, tiện lợi hơn khi thực hiện thanh toán điện tử; Cảm thấy không cần phải dùng tiền mặt thường xuyên nữa.
Khi người tiêu dùng ngày càng trở nên thoải mái hơn với công nghệ, các công ty lớn có “dấu chân” trên toàn cầu sẽ được hưởng lợi.
Các nhà khoa học dự đoán tới năm 2030, các chất bán dẫn sẽ được ứng dụng nhiều hơn vào cuộc sống thường ngày. Chúng có thể được sử dụng trong các sản phẩm như điện thoại, máy tính bảng, ô tô, các thiết bị giải trí và thiết bị gia dụng…
Đặc biệt, các thiết bị có thể đeo trên người sẽ ngày càng trở nên tinh vi hơn, có thể giúp chúng ta theo dõi quá trình tập luyện, giấc ngủ và sức khỏe tổng thể. Những thiết bị này có thể mang lại cảm giác thân thuộc, nhưng bạn có thể sử dụng chúng theo những cách mà trước đây chúng ta không thể ngờ tới.
Ô tô cũng ngày càng được trang bị nhiều thiết bị điện tử hơn mỗi năm. Không chỉ riêng ô tô, việc tự động hóa các phương tiện giao thông cũng đòi hỏi nhiều bộ phận tiên tiến hơn để đảm bảo chúng có thể hoạt động một cách an toàn và hiệu quả.
Tới năm 2030, các chuyên gia hy vọng sẽ có những thiết bị hiện đại với tính năng dịch theo thời gian thực. Ý tưởng có thể là một chiếc tai nghe không dây giúp dịch giọng nói, hoặc một chiếc kính thông minh giúp dịch văn bản.
Những thiết bị như vậy có thể biến đổi ngành du lịch, giúp mọi người tự tin hơn khi đi du lịch, thậm chí giúp một người có thể sinh sống ở những quốc gia nơi họ không thông thạo ngôn ngữ bản địa.
Những cải tiến trong học máy (machine learning - một nhánh của AI (trí tuệ nhân tạo)), công nghệ đeo trên người, công nghệ tương tác thực tế ảo… có thể mang tới nhiều tiện ích khác trong cuộc sống.
Kỹ thuật phát trực tiếp (streaming content) đang ngày càng trở nên phổ biến hơn sau đại dịch COVID-19, nhưng các chuyên gia nhận định điều này vẫn đang ở giai đoạn đầu và còn có tiềm năng phát triển thêm nữa. Theo đó, hiện có khoảng 1/3 các nội dung được người dùng tiếp nhận qua streaming, nhưng dự đoán tới năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới hơn 80%.
Theo đó, streaming có được 2 lợi thế lớn là vừa tốt hơn, vừa rẻ hơn so với truyền hình truyền thống - loại hình truyền thông gần như không có nhiều sự thay đổi. Ngoài ra, hiệu ứng mạng cũng là một yếu tố mạnh mẽ. Bạn có thể tưởng tượng nền tảng phát trực tuyến càng lớn, nhà sản xuất càng có cơ hội tái đầu tư vào nội dung. Điều này có thể giúp giảm chi phí và thậm chí thu hút thêm nhiều người xem mới.
Tương tự như vậy, ngành công nghiệp trò chơi điện tử có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng “bùng nổ” từ giờ tới năm 2030. Các nhà khoa học cũng cho rằng công nghệ thực tế ảo và tương tác thực tế ảo sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử.
Khi những công nghệ này phát triển, người chơi sẽ có thể có được các trải nghiệm như thật, ví dụ như đang trực tiếp tham gia một buổi hòa nhạc, có mặt tại các sự kiện thể thao… nhưng chỉ với một chi phí nhỏ hơn rất nhiều.
Đã bao giờ bạn nghĩ mình sẽ có thể bắt một chuyến taxi không có tài xế, bởi chiếc xe có thể tự vận hành? Với các công nghệ như hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao (ADAS - Advanced Driver Assistance Systems), camera cảm biến hình ảnh, radar tầm xa giúp cảnh báo sớm… các nhà khoa học thường gọi vui xe tự lái là các “cỗ máy trên bánh xe”.
Các chuyên gia tin rằng tới năm 2030, chúng ta sẽ có thể triển khai rộng rãi mô hình xe điện tự lái tại nhiều thành phố trên khắp thế giới. Quyền sở hữu các phương tiện cá nhân sẽ từ một nhu cầu thiết yếu trở thành điều gì đó khá xa xỉ. Nhiều người vẫn có thể sở hữu các loại xe cộ, nhưng điều này dường như chỉ còn mang tính giải trí, thay vì thực sự cần thiết như một phương thức vận chuyển chính ở các thành phố lớn.
Các chuyên gia còn cho rằng tới thời điểm năm 2030, chúng ta còn có thể thấy động cơ lai điện (hybrid electric engine - động cơ sử dụng song song điện chạy bằng pin và xăng/dầu để cung cấp năng lượng cho phương tiện vận hành), cũng như động cơ hydrogen được sử dụng trong máy bay dân dụng. Việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ này sẽ được triển khai dần trong vòng 2 - 7 năm tới.
Đặc biệt, việc chuyển sang sử dụng các loại xe điện tự lái, sử dụng công nghệ động cơ lai điện có thể tạo ra tác động lớn tới lượng khí thải toàn cầu.
Trong khoảng 10 năm tới, doanh số bán các phương tiện chạy bằng điện trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng tới 28% mỗi năm. Chi phí pin giảm nhanh chóng và những thay đổi đầy sáng tạo sẽ giúp các phương tiện chạy bằng điện có thể cạnh tranh tốt với các phương tiện chạy bằng xăng, thậm chí cạnh tranh được cả về giá với các loại xe cũ.
Bằng chứng cho “bước ngoặt” này của ngành công nghiệp ô tô có thể kể tới việc General Motors (một hãng sản xuất ô tô lớn của Mỹ) đã thông báo kế hoạch loại bỏ các loại xe chạy bằng xăng và dầu trên toàn cầu, thay vào đó là các xe chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2035. Tiếp đó, Tập đoàn Ô tô Volvo (Thụy Điển) cũng đưa ra lời hứa sẽ chỉ sản xuất xe điện vào năm 2030.
Một cải tiến nữa có thể thay đổi toàn bộ trải nghiệm của khách hàng là ứng dụng công nghệ điều khiển bằng phần mềm (software-defined) vào sản xuất các loại xe điện. Theo đó, phần mềm sẽ nhận các bản cập nhật qua vô tuyến, từ đó giúp cải thiện chức năng và độ an toàn, đồng thời cung cấp tính năng giải trí cho người dùng. Thông qua những cập nhật này, một chiếc xe điện thậm chí có thể trở thành một sản phẩm tốt hơn sau 5 năm kể từ khi mua.
Vài năm trở lại đây, chúng ta đang bắt đầu quá trình chuyển đổi sang các dạng năng lượng “xanh”. Các nhà khoa học nhận định cũng có những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo từ giờ cho tới năm 2030.
Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang tạo tiền đề cho thời kỳ hoàng kim của năng lượng tái tạo, đặc biệt khi các yếu tố này vừa có thể giúp giảm chi phí, vừa giúp tăng năng suất và hiệu quả.
Trước đây, năng lượng tái tạo được coi là một phương án đắt đỏ, không thực tế và không mang lại lợi nhuận. Nhưng tất cả những điều này đang thay đổi một cách nhanh chóng.
Trên thế giới, đã có một số công ty áp dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất, dù mới chỉ ở mức hơn 30%. Tuy nhiên, những công ty này vẫn được đánh giá tăng trưởng tốt hơn so với nhiều công ty chỉ sử dụng nguồn năng lượng truyền thống.
Động thái này được thể hiện rõ nhất ở châu Âu, đặc biệt là khi nhiều chính phủ đã đặt mục tiêu khử cacbon, khử than (trong sản xuất) khá cao. Ví dụ, Chỉ thị Năng lượng Tái tạo (RED - Renewable Energy Directive) quy định rằng tối thiểu 32% năng lượng ở Liên minh châu Âu (EU) phải đến từ các nguồn tài nguyên tái tạo vào năm 2030.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ với nhiều thay đổi đáng kinh ngạc. Những thay đổi này có thể thúc đẩy cơ hội phát triển cho những công ty chịu khó sáng tạo.
Các chuyên gia dự đoán tới năm 2030, chúng ta có thể chứng kiến quá trình dân chủ hóa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Các thiết bị y tế từ xa, robot y tế… là những ứng dụng có thể giúp các chuyên gia từ quốc gia này thăm khám, thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân ở xa, thậm chí là ở một quốc gia khác.
Bất cứ ai cũng có quyền tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu, bất kể họ sống ở đâu. Các mảnh ghép giải quyết vấn đề đều đã sẵn sàng, từ đó mang tới khả năng cải thiện kết quả điều trị, giảm chi phí và giúp cứu sống được nhiều người hơn.
Bình luận của bạn