Còn đó những tấm lòng

Chia sẻ trên những trang báo điện tử, trên những trang mạng xã hội, nhiều người cho rằng, đừng vì những "con sâu làm rầu nồi canh" mà mất đi niềm tin vào các bác sỹ, y tá, điều dưỡng, hộ lý... trong các bệnh viện trên toàn quốc. Vẫn còn đó những tấm lòng y, bác sỹ rất đáng trân trọng.

Từ chối nhận tiền bồi dưỡng
Anh Thái Huy (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi có 2 đứa con đều sinh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ như bao người khác là phải thế này, thế kia để cho vợ con mình được chăm sóc tốt. Nhưng khi tôi đưa tiền cho họ thì không ai nhận. Từ lúc chuẩn bị vào sinh, đến lúc sinh, rồi tắm bé, mỗi giai đoạn tôi đều "nhét" tiền cho họ, nhưng đều trả lại hết, không ai nhận một đồng. Đến khi làm thủ tục thanh toán tiền ra viện, tôi thấy ở đây phục vụ tốt quá tiền dư mà bệnh viện phải thối lại tôi định cảm ơn cho cô thu ngân, nhưng họ cũng làm "mất lòng" tôi luôn và những người chung một lượt với vợ chồng tôi đều nói như vậy hết”.


Tại các bệnh viện, vẫn có những tấm lòng nhân hậu của các y tá, bác sỹ.
Ảnh minh họa

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bà N.T. Xuyến (Đông Anh, Hà Nội) - có con gái đang sinh ở đây chia sẻ: "Bác sỹ tại đây rất tốt, rất nhiệt tình và nhẹ nhàng, thường xuyên đến tận phòng thăm hỏi bệnh nhân. Thậm chí, có đưa phong bì, bác sỹ, điều dưỡng đều bảo: “Chúng tôi không thiếu tiền, chị không phải đưa phong bì. Đây là trách nhiệm của chúng tôi, chị yên tâm, cháu sẽ được chăm sóc tốt”.

Bà Xuyến cho biết thêm: Con bà nằm viện, đồ ăn đã được đưa đến tận cửa phòng nên bệnh nhân không phải ra ngoài. Trong phòng có vệ sinh khép kín. Thậm chí, trẻ sinh ra có sẵn quần áo. Nói chung, bác sỹ chăm sóc tốt. Tuy nhiên, vì chúng tôi luôn lo lắng cho con nên cứ chầu chực ở ngoài.

Còn bà Vịnh (Sóc Sơn, Hà Nội) tâm sự: Con tôi ở đây chờ sinh và vừa sinh mổ bé 3,4 kg. Tôi mừng lắm. Các bác sỹ ở đây trình độ cao, tôi không lo lắng điều gì cả. Nhưng cháu vừa đẻ, vết mổ đau, không chăm con được nên tôi phải ở cạnh đỡ. Bác sỹ bận làm sao tôi dám nhờ những việc nhỏ như vậy.

Mới đây, bệnh nhân Trần Hiếu Minh (Hà Nội) phải vào khoa Phẫu thuật gan mật, Bệnh viện Việt Đức để cắt bỏ khối u trong gan có kích cỡ 4 x 8cm. Lúc vào, chị Minh rất lo lắng. Nhưng sau khi được phẫu thuật thành công. Khối u đó là u lành tính, chị rất mừng. Chị Minh chia sẻ: “Tôi cứ tưởng đi viện thì phải chuẩn bị này nọ. Tôi đã lo sẵn phong bì rồi, phẫu thuật thì đưa cho bác sỹ, điều dưỡng nhưng họ đều trả lại. Mà việc chăm sóc rất chu đáo. Điều tôi khâm phục là trình độ bác sỹ, họ đều là những người cực giỏi trong phẫu thuật”.

Giọt nước mắt khi những bệnh nhi giã từ cõi đời
Nhắc đến tấm lòng nhân hậu của những y, bác sỹ tại các bệnh viện, không thể không nhắc đến chị Nguyễn Thị Thu Hà, phụ trách điều dưỡng tại khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức.

Chia sẻ, chăm sóc bệnh nhân với tấm chân tình và rồi chị cũng nhận được sự đáp trả cho tấm chân tình đó. Từng bát chè các chị nấu ăn thêm mỗi khi ca trực muộn, từng suất cơm, nước uống chị và những nữ điều dưỡng ở đây chia sẻ uống cho bệnh nhân nghèo. Trong ký ức của chị Hà, đó là niềm vui và cũng là sự chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Một bệnh nhân chỉ vài tháng tuổi mắc bệnh tim, nhà ở tận Cao Bằng được phẫu thuật, nhưng cháu đã không qua khỏi. Cháu mất đi, nhưng bố mẹ không có tiền để đưa cháu về Cao Bằng. Gia đình định cho cháu vào túi du lịch rồi đi về bằng xe khách. Các bác sỹ, điều dưỡng ở đây thấy vậy định ủng hộ tiền đưa cháu về, mỗi người một ít. Nhưng rồi, không hiểu thế nào, cha mẹ cháu quyết định để cháu lại bệnh viện nhờ giúp đỡ. Thế là lại mỗi người một tay góp vào lo lắng cho cháu.


Hình ảnh thương tâm của bệnh nhi Hứa Văn Dũng những ngày tại Viện Huyết học - Truyền máu TW

Trường hợp cháu bé Hứa Văn Dũng là trường hợp mà mỗi lần nhắc đến, các y tá, bác sỹ trong khoa Nhi, Viện Huyết học - Truyền máu TW đều không cầm được nước mắt. Những hình ảnh lưu lại đứa bé gầy trơ xương, gần 3 tuổi mà chỉ nặng có 6kg đang được các bác sỹ, y tá thay phiên nhau chăm sóc. Dù đã có rất nhiều nhà hảo tâm ủng hộ, nhưng không may mắn, chỉ một thời gian ngắn, cháu Dũng đã ra đi mãi mãi. Cũng là các bác sỹ, y tá của bệnh viện hỗ trợ đưa cháu về nơi an nghỉ cuối cùng.

Khám và chữa bệnh miễn phí cho trẻ khuyết tật
Có một lương y áo trắng, vị bác sĩ này không quản ngại đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang khám cho những cháu khuyết tật và đưa các cháu về bệnh viện để khám miễn phí. Đó là Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Mạnh Khánh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình 2, Bệnh viện Việt Đức.

Cháu Nguyễn Văn Tí (7 tuổi) có hoàn cảnh khá đặc biệt. Vào năm 2008, Tí bị bỏ tại cổng Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang. Khi ấy, trên người Tí không có giấy tờ gì. Nhìn Tí lúc ấy, nhiều người không khỏi xót xa. Tí bé tẹo, khuôn mặt dị dạng với hàm ếch bị hở 2 lỗ, chân khèo, bàn chân nhỏ, vẹo quặp vào trong, ngón tay thì bị dính chặt không xòe ra được. Năm 2011, Tí được một tổ chức từ thiện đưa đi phẫu thuật. Miệng cháu kín, Tí dần phát âm và nói được. Dù hiện nay, Tí nói vẫn ngọng lắm.

Qua người bạn làm ở Hiệp hội Hợp tác Vì trẻ em Việt Nam, BS Khánh đến trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang khám và hướng dẫn đưa Tí về viện để phẫu thuật. Tí bị 2 bàn tay có ngón dính, 2 chân khèo không đi lại như bình thường được. Cháu còn bị dị tật lỗ đái thấp. Nếu không phẫu thuật, sau này, chân cháu sẽ biến dạng. Tí đã được bác sĩ Khánh phẫu thuật tách 3 ngón tay bị dính ở bàn tay phải và bàn tay trái.

Trong thời gian tới, bác sĩ Khánh sẽ tiếp tục phẫu thuật để cháu có thể đi như người bình thường. Nhưng phải đợi một thời gian nữa, khi cháu lớn hơn, sụn, xương, gân đã phát triển ổn định. Lúc đó, cháu sẽ được sửa xương, kéo dài gân gót, cắt gan bàn chân, kéo dài gân gấp các ngón…

Bác sỹ Khánh tâm sự: “Trong thời gian cháu đến phẫu thuật, anh em bác sỹ, điều dưỡng đã quyên góp, giúp đỡ cháu phần nào. Chúng tôi giúp cháu cùng người trông cháu có suất ăn hàng ngày. Tuy nhiên, cháu còn phải qua nhiều cuộc phẫu thuật nữa nên rất cần chi phí cho lưu trú viện, phục hồi chức năng… mà ngân sách trung tâm bảo trợ eo hẹp. Tôi rất mong có được nguồn hỗ trợ thêm cho cháu”.

Có chứng kiến từng việc, từng con người cụ thể, người viết hay những người bệnh/thân nhân của họ mới thấy rằng, ở nơi những bệnh viện, bên cạnh cái chết, nỗi tuyệt vọng thì sự sống, niềm hy vọng, tình thương yêu vẫn luôn hiện hữu. Và vẫn còn đó, những “thiên thần áo trắng” với tấm lòng yêu thương bệnh nhân tràn đầy.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội