Thông tư này xuất phát từ yêu cầu của Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh chữa bệnh (có hiệu lực 1/1/2011). Luật, nghị định, thông tư về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã chấm dứt thông lệ “cứ có tấm bằng bác sĩ đương nhiên được hành nghề khám bệnh và chữa bệnh”. Đồng thời làm thay đổi tư duy về một nghề cao quý.
Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là vấn đề mới, tuy nhiên người dân không quan tâm nhiều đến tấm giấy chứng chỉ. Chứng chỉ hành nghề là căn cứ pháp lý quyết định liên quan đến việc khám bệnh, chữa bệnh. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần quy định khi khám bệnh, chữa bệnh, bác sĩ và cơ sở khám chữa bệnh phải công khai chứng chỉ hành nghề thông qua việc sao y bản chính tại nơi khám bệnh, ghi chú ở đơn thuốc số giấy phép hành nghề… Việc công khai chứng chỉ hành nghề kết hợp với việc xử lý người có chứng chỉ hành nghề nhưng không có mặt để khám bệnh, chữa bệnh nhằm hạn chế việc cho thuê, mướn chứng chỉ hành nghề.
Ảnh minh họa.
Thuê mướn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nghề y đang phần nào làm méo mó y đức của ngành y tế. Một sự lừa dối bệnh nhân cần được chấm dứt thông qua việc hành nghề y. Để phát hiện được việc thuê mướn chứng chỉ hành nghề, các cơ quan chức năng cần công khai và khen thưởng người phát hiện, các đơn thư góp ý gửi cho ngành y tế nhưng cũng đồng thời gửi cho cơ quan báo chí để giám sát công khai minh bạch. Thuê mướn chứng chỉ hành nghề đang là trào lưu phổ biến ở nhiều phòng khám, nhiều địa phương, nhưng xem ra xử lý chưa được bao nhiêu. Thời gian qua Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện phòng khám đa khoa có đến 6 bác sĩ đăng ký nhưng khi kiểm tra không có bác sĩ nào có mặt là vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc từ ngành y tế. Có hay không sự bao che, có hay không được kiểm tra có báo trước và không báo trước để xử phạt và loại trừ đối thủ cạnh tranh? Kiểm tra, thanh tra ngành y tế đã lộ rõ những bất cập cần được các cơ quan nhìn nhận và đề xuất các biện pháp phù hợp.
Chứng chỉ hành nghề đang gây khó đối với các cơ sở y tế công lập. Đến hết ngày 31/12/2013, các bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện của nhà nước phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh và chữa bệnh. Các cơ sở y tế tư nhân thì lộ trình cấp phép đã thực hiện từ ngày 1/1/2012 nên sẽ không khó khăn khi hoạt động. Theo điểm A, khoản 1, điều 3 Nghị định 87/2011, các thầy thuốc chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề, bác sĩ nào kê đơn mà chưa có chứng chỉ hành nghề là vi phạm luật pháp chứ không phải chỉ phạt hành chính đơn thuần. Khi có tai biến xảy ra, người dân hoặc luật sư sẽ truy đến cùng chứng chỉ hành nghề, kể cả nguồn gốc giấy tờ để được cấp chứng chỉ hành nghề. Để được cấp chứng chỉ hành nghề, bác sĩ phải có 18 tháng thực hành tại cơ sở, khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời các bác sĩ mới ra trường nếu không trực tiếp tham gia vào việc khám bệnh, chữa bệnh thì không được cấp chứng chỉ hành nghề. Còn cơ sở tư nhân nào giao tính mạng bệnh nhân cho người chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh và điều trị sẽ bị rút giấy phép theo quy định của nghị định về xử phạt hành chính.
Chủ trương đưa bác sĩ vừa ra trường về vùng sâu, vùng xa của ngành y tế cũng cần được nghiêm túc xem xét khi luật đã được ban hành có hiệu lực. Luật pháp cần được thực hiện bình đẳng giữa các bác sĩ trong và ngoài bệnh viện công, cũng như hoạt động giữa y tế công và y tế tư để đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe tốt ở mọi cơ sở khám bệnh.
Bình luận của bạn