Cứ 5 giây lại có thêm 1 người mù

3,1% dân số bị mù, lòa
Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Việt Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế - đưa ra trong Hội thảo Dự thảo Kế hoạch quốc gia Phòng chống mù lòa giai đoạn 2014 - 2019. Chương trình do Bộ Y tế, Tổ chức Phòng chống mù lòa quốc tế (IAPB), Quỹ Fred Hollow (FHF), Bệnh viện Mắt Trung ương (VNIO) và Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa phối hợp cùng tổ chức.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, phổ biến ở lứa tuổi trên 50 tuổi. Cứ 5 giây, thế giới lại có thêm một người mù, trong đó 90% là ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện y tế thiếu thốn. WHO chỉ ra rằng, 75% nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được, mà đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu, nhưng có thể điều trị qua phẫu thuật. Các nguyên nhân gây mù tiếp theo là bệnh glocom, thoái hóa điểm vàng, tật khúc xạ.


Một trong những mục tiêu của Kế hoạch quốc gia Phòng chống mù lòa 2014 - 2019 là tăng cường đào tạo cán bộ và trang bị thiết bị ngành nhãn khoa cho các cơ sở y tế cơ sở

Theo một điều tra dịch tễ học trên diện rộng ở 16 tỉnh năm 2007 và bổ sung thêm 4 tỉnh năm 2011 cho thấy, tỷ lệ mù lòa ở việt Nam hiện nay là 3,1%, tương đương với tỷ lệ mù lòa của thế giới (3,18%) theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiện, Việt Nam có khoảng 500.000 người mù cả 2 mắt, 2 triệu người mù 1 mắt, chưa kể hàng năm số người mù mắc mới lên đến hàng trăm nghìn người và tỷ lệ mù tồn đọng mỗi năm lên tới 150.000 người. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị.

Theo báo cáo tổng kết Kế hoạch quốc gia Phòng chống mù lòa giai đoạn 2009 - 2013 do Bệnh viện Mắt TW đưa ra, bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở Việt Nam hiện nay, chiếm 66,1%, tiếp theo đó là bán phần sau nhãn cầu (10,1%), bệnh glocom (6,5%), sẹo giác mạc (5,6%), teo nhãn cầu (3,2%), tật khúc xạ (2,5%) và mắt hột (1,7%). Hiện, tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến, với tỷ lệc mắc khoảng 10 - 15% ở học sinh nông thôn, 30 - 35% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên chỉnh kính) thì cả nước có khoảnh 3 triệu trẻ mắc tật khúc xạ, trong đó 2/3 cận thị.

Tuy nhiên, 83% tỷ lệ người mù được cho là có thể phòng và chữa được (69% là có thể chữa được và 15% có thể phòng ngừa được) nếu được phát hiện sớm và được tư vấn kịp thời.

Hướng tới mục tiêu chăm sóc mắt toàn diện

Năm 2013, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức quốc tế về Phòng chống mù lòa đã đưa ra Kế hoạch toàn cầu và Kế hoạch của khu vực Tây Thái Bình Dương "Hướng tới sức khỏe mắt toàn diện, nhằm đạt mục tiêu toàn cầu Thị giác 2020" nhằm khuyến cáo và huy động tất cả các nguồn lực của quốc tế và Chính phủ các nước để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mù lòa có thể phòng tránh ở người trên 50 tuổi trên toàn cầu xuống 25% vào năm 2018, tức là còn 2,37% so với 3,18% năm 2010.

Hưởng ứng khuyến cáo này của WHO, Bộ Y tế và ngành Nhãn khoa Việt Nam xây dựng và đưa ra Dự thảo Kế hoạch Quốc gia Phòng chống mù lòa 2014 - 2019, định hướng chiến lược cho ngành Nhãn khoa trong thực hiện mục tiêu Thị giác 2020.

Mục tiêu hướng tới của kế hoach này là giảm tỷ lệ mù lòa xuống 25%, tương đương với khuyến cáo mà WHO đưa ra, trong đó tập trung vào những nguyên nhân chính gây mù và nguyên nhân gay mù có thể phòng tránh được. Các mục tiêu cụ thể là đẩy nhanh tốc độ mổ thủy tinh thể với tỷ lệ 2.500 - 3.000 ca/1 triệu dân; nâng cao chất lượng mổ đục thủy tinh thể với tỷ lệ người có thị lực >3/10 ở mức trên 80%; hạn chế biến chứng phẫu thuật; lập lế hoạch thanh toán bệnh mắt hột trên cơ sở tiêu chí của WHO; giải quyết các trường hợp quặm cần mổ tại địa phương; lập bản đồ mắt hột và hướng tới thanh toán bệnh mặt hột với sự đánh giá/hỗ trợ của WHO.


Phát hiện sớm các bệnh lý gây mù lòa và tư vấn phòng ngừa kịp thời

Kế hoạch cũng chỉ ra những căn bệnh có nguy cơ dẫn đến giảm thị lực, gây mù, lòa và có xu hướng gia tăng trong thời gian vừa qua. Đó là tật khúc xạ trong học sinh, sinh viên; bệnh lý võng mạc đái tháo đường; bệnh glocom; thoái hóa điểm vàng tuổi già; mù lòa trẻ em. Theo đó, Bộ Y tế định hướng các địa phương quan tâm, chăm sóc tật khúc xạ cho trẻ em, từng bước nghiên cứu và quan tâm đến các bệnh nói trên.

Song song với đó là kế hoạch tăng cường số lượng bác sỹ, y tá ngành mắt cho các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện, xã; tăng cường đào tạo cán bộ có trình độ cao, chuyên môn sâu cho các tuyến từ trung ương đến tỉnh, thành. Ước tính, hiện Việt Nam có khoảng 1.500 bác sỹ chuyên khoa mắt trên toàn quốc, đáp ứng đủ yêu cầu chăm sóc sức khỏe mắt toàn dân theo đánh giá của WHO. Tuy nhiên, số lượng bác sỹ phân bổ không đồng đều, tập trung ở thành phố lớn là một bất cập trong chiến lược chăm sóc sức khỏe mắt của ngành mắt nói riêng và ngành y tế nói chung. Bên cạnh đó, việc thiếu thiết bị ngành mắt cũng là một vấn đề được quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Dự tính, trong 5 năm thực hiện kế hoạch, Bộ Y tế sẽ kết hợp với các tổ chức thế giới trang bị thiết bị khám, chăm sóc mắt cho 200 bệnh viện tuyến huyện, xã để đảm bảo mục tiêu thị giác năm 2020.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Chí Dũng - Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa - để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra này không chỉ cần sự nỗ lực của các bác sỹ, y tá, nhân viên ngành Nhãn khoa mà cần sự chung tay, góp sức của các Bộ ngành liên quan như Y tế, giáo dục, môi trường, truyền thông và của cả cộng đồng.

Đại diện của các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cả về tài chính và kỹ thuật trong việc triển khai kế hoạch này. Đại diện WHO thì khẳng định, trong thời gian tới, WHO sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa để cùng Bộ Y tế, ngành Nhãn khoa chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa cho người dân Việt Nam.

Bộ Y tế Việt Nam đã ký cam kết thực hiện "Chương trình Thị giác 2020" do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra. Mục tiêu hướng đến là năm 2020 sẽ không có người bị mù nếu biết cách phòng tránh hoặc có thể chữa trị được. Để thực hiện cam kết này, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa, Hội Nhãn khoa Việt Nam và nhiều Bộ, ngành liên quan đã đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chăm sóc mắt ở cộng đồng, từ đó giúp giảm thiểu số lượng người bị mù.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn