Cúng Giao thừa bằng gà nướng – Thơm vàng cả năm!

Ngày nay, nhiều người cúng Giao thừa bằng gà nướng

Món ngon cho đêm giao thừa

Tết ông Công ông Táo: Cúng thế nào mới đúng?

Cách bày mâm cúng ông Công ông Táo

Quà Tết: Nên tặng gì, kiêng gì?

Tại sao lại chọn gà làm lễ vật cúng Giao thừa?

Lý giải cho điều này, ông Vương Duy Bảo – Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết, theo thần thoại của một số dân tộc Việt Nam, gà trống chính là con vật gọi được mặt trời chiếu sáng cho mặt đất, tạo sự sống cho muôn loài. Tích xưa kể rằng, khi Ngọc Hoàng mới tạo ra mặt đất, thấy lạnh lẽo, ẩm thấp quá nên Người sai 10 mặt trời chiếu sáng suốt ngày đêm. Nhưng Ngọc Hoàng quên không thu mặt trời lại, khiến mặt đất khô trắng, nứt nẻ, con người và cây cỏ khốn đốn vì nắng hạn.

Có một chàng dũng sĩ giương cung bắn rụng 9 mặt trời, còn mặt trời cuối cùng thì chạy trốn mất. Không ai và không con vật nào gọi được mặt trời. Sợ mặt đất ngày càng lạnh lẽo và tối tăm, chú gà trống tơ liền cất tiếng gáy vang lừng khiến mặt trời tò mò ngó xuống khiến mặt đất sáng bừng lên.

Từ đó, trong đêm Giao thừa (hay còn gọi là Lễ Trừ tịch) là khi trời đất tối tăm nhất, trong lễ cúng, mọi nhà bày một con gà trống với mong muốn gà trống sẽ gọi mặt trời thức dậy, chiếu sáng cho mặt đất, để cả năm được “sáng sủa”, tốt lành và may mắn.

Đến ngày nay, câu chuyện gà gọi mặt trời đã không còn được nhiều người biết đến, nhưng tục lệ cúng gà đêm Giao thừa vẫn còn được lưu giữ.

Gà trống gọi mặt trời thức dậy, chiếu sáng cho mặt đất, cho cuộc sống của con người, cây cối tốt tươi

“Cúng gà luộc hay gà nướng đều được!”

Đó là lời khẳng định của chị Nguyễn Thị Thảo – Trưởng bộ phận bếp, Khách sạn Gondola, Hà Nội. Chị Thảo cho biết, xưa nay, không có quy định nào bắt buộc phải cúng gà luộc. Cúng bằng gà hấp hay gà nướng đều được, miễn là lòng thành và nghiêm cẩn.

Vì thế, hiện nay, nhiều gia đình chọn cúng gà nướng màu nâu ánh vàng, dậy mùi thơm, trước là cúng trời đất, các thiên binh, tổ tiên, sau để cả gia đình ăn bữa cơm sum họp đầu năm.

Ông Hà Thanh – Trung tâm Nghiên cứu cổ học Phương Đông, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho biết, khi cúng lễ, nhiều người còn băn khoăn không biết nên để gà quay đầu vào hay quay đầu ra. Đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên, gọi là tư thế “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”, nhưng phao câu sẽ hướng về tầm nhìn của người đứng cúng, nhìn sẽ không đẹp mắt. Còn gà quay đầu ra phía ngoài nhiều người lại cho là không nghiêm cẩn. Thế nhưng, gà quay đầu thế nào, với hình thức nào (luộc, hấp, nướng), để nguyên con hay chặt miếng... chỉ là hình thức, không có ý nghĩa gì, miễn là con cháu thể hiện lòng thành và sự nghiêm cẩn là được. 

Ông Hà Thanh – Trung tâm Nghiên cứu cổ học Phương Đông, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Con gà đã thành một mã văn hóa đi liền với tín ngưỡng tôn sùng thần mặt trời của văn hóa nông nghiệp. Cúng gà đêm Giao thừa là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, thế hệ sau cần gìn giữ, không nên vì ảnh hưởng của thời cuộc mà làm mai một đi”.
Vân Anh H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức