Ảnh minh họa
Vợ anh Diệp Đình Tường cho biết, đêm 19/1, anh Tường thở khó trong lúc ngủ kèm theo tiếng ú ớ. Khi bật đèn thấy tay chồng đã buông thõng, vợ anh nhờ người quen đưa anh Tường tới Bệnh viện Việt Tiệp ngay lập tức.
Bác sĩ Vũ Tường Lân, người trực tiếp cấp cứu cho anh Tường cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mạch ngừng đập, không có huyết áp, đồng tử giãn. Cơ hội sống của bệnh nhân rất ít.
Tuy nhiên, bác sĩ Lân cùng bác sĩ Nguyễn Trọng Đức tham gia kíp trực hôm đó khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân (ép tim ngoài lồng ngực, dùng thuốc, sốc điện…). Sau 15 phút cấp cứu, tim bệnh nhân đập trở lại.
Sau 2 ngày, bệnh nhân tự thở được không cần đặt ống nội khí quản. Hiện anh Diệp Đình Tường đang điều trị tại khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Việt Tiệp. Ca cấp cứu thành công do bệnh nhân được đưa vào viện nhanh chóng và sự điều trị tích cực của kíp trực.
Theo bác sĩ Vũ Tường Lân, trường hợp ngừng tuần hoàn không hiếm gặp tại khoa cấp cứu (mỗi ngày có 1-2 ca). Tỉ lệ cấp cứu thành công không nhiều. Ngừng tuần hoàn do nhiều nguyên nhân nhưng có 2 nguyên nhân hàng đầu là bệnh mạch vành cấp và tai biến mạch não.
Trong cấp cứu ngừng tuần hoàn, thời gian quý như vàng vì sớm phút nào cơ hội sống còn tăng lúc đó. Sau 3 phút ngừng tuần hoàn nếu bệnh nhân có cơ may sống thì não phục hồi cũng rất kém. Dấu hiệu của ngừng tuần hoàn gồm dáng đi bất định, sờ mạch cảnh, mạch bẹn không thấy, thở ngáp…
Khi gặp người có dấu hiệu trên, người bên cạnh có thể sơ cứu bằng cách dùng tay ép tim ngoài lồng ngực ít nhất 100 lần/phút hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn